“85% học sinh tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp có việc làm”
Tiến sỹ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bày tỏ sự lạc quan về bức tranh giáo dục nghề nghiệp trong những năm tới.
Các nước trên thế giới xem đào tạo giáo dục nghề nghiệp là chiến lược phát triển kinh tế toàn diện và đều đưa ra con đường phát triển giáo dục nghề nghiệp dài hạn. Việt Nam đã đưa vấn đề giáo dục nghề nghiệp vào luật, các chính sách phát triển dài hạn và đang học tập những ưu điểm từ mô hình các nước tiên tiến. Do đó, tương lai về bức tranh giáo dục nghiệp là hoàn toàn khả quan, dù còn một vài điểm bất cập trong cách đào tạo trong nhà trường.
– Phóng Viên: Dạy nghề đang đi theo xu hướng tất yếu của thế giới. Ở Việt Nam, xu hướng này được thực hiện như thế nào, thưa ông?
– TS Trương Anh Dũng: Phát triển giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề là vấn đề toàn cầu, thế giới rất quan tâm. Đặc biệt, các diễn đàn ở toàn cầu, khu vực và kể cả ở Việt Nam đã bàn nhiều về nội dung này. Giáo dục nghề nghiệp không chỉ là vấn đề về giáo dục đơn thuần. Nó không chỉ trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng, thái độ để làm việc, mà đằng sau đó là vấn đề kinh tế. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới, người ta xếp phát triển kỹ năng, giáo dục nghề nghiệp vào trụ cột kinh tế, chứ không đơn thuần là giáo dục. Nó tác động đến năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của quốc gia. UNESCO từng có chiến lược về phát triển giáo dục nghề nghiệp trong vòng 10 năm. Nhiều nước đã có chiến lược phát triển kỹ năng hoặc chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp. Gần đây nhất, các nhóm nước G20 bàn về thương mại điện tử, người ta cũng bàn đến phát triển kỹ năng số, giáo dục nghề nghiệp làm sao để tích hợp giáo dục nghề nghiệp với thương mại điện tử, thương mại số. Việt Nam cũng có chiến lược phát triển dạy nghề cách đây gần 10 năm. Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo phải tập trung xây dựng chiến lược giáo dục nghề nghiệp cho 10 năm tiếp theo. Chúng tôi đang tập trung điều này. Bắt theo xu thế của thế giới, chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi giáo dục nghề nghiệp từ hệ thống trước đây, chủ yếu đào tạo theo những gì mình có ở trường lớp, chuyển sang hệ thống đào tạo mở và linh hoạt. Chúng ta hướng nhiều hơn đến việc đào tạo bổ sung kỹ năng, đào tạo lại lực lượng lao động đang làm việc chứ không chỉ đào tạo nghề ban đầu cho người học sau tốt nghiệp THPT, THCS.
– Phóng Viên: Ông nhận định bức tranh giáo dục nghề nghiệp 10 năm tới sẽ có những điểm sáng khác biệt như thế nào so với hiện tại?
– TS Trương Anh Dũng: Tôi tin chắc chắn là sẽ sáng hơn vì nằm trong quy luật phát triển. Nhưng hơn nhiều hay ít còn phụ thuộc hành động, khi quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước đã khá rõ ràng. Ví dụ, chúng ta có Luật Giáo dục Nghề nghiệp, trong đó điều 6 nói rất rõ chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Mới đây là dự thảo văn kiện đại hội XIII, có cả một đoạn định hướng về phát triển giáo dục nghề nghiệp, đổi mới nâng cao chất lượng, tập trung đào tạo lại lực lượng lao động. Tôi nghĩ rằng làm thế nào để trước hết hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp phải ổn định theo Luật Giáo dục mới, và Luật Giáo dục Nghề nghiệp (an cư mới lạc nghiệp) và tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý để đáp ứng yêu cầu phát triển.
– Phóng Viên: Tư duy của nhiều người Việt rất coi trọng bằng cấp, nhưng điều này cũng đang dần thay đổi. Hiện nay, tỷ lệ học sinh, sinh viên chọn giáo dục nghề nghiệp tăng lên, các em không còn xem đại học là con đường duy nhất. Những việc đã triển khai tốt thời gian qua đã tác động, thay đổi tư duy này như thế nào?
– TS Trương Anh Dũng: Hệ thống chính sách pháp luật của chúng ta rõ ràng, mạch lạc. Trước đây, phần giáo dục nghề nghiệp nằm rải rác ở luật khác nhau, các cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau. Bây giờ, Luật Giáo dục Nghề nghiệp và vừa rồi là Luật Giáo dục đề cập giáo dục nghề nghiệp rất rõ ràng. Chúng ta đã ban hành hệ thống pháp lý đồng bộ để triển khai.
Nguồn: gdnn.gov.vn