Trước khi chuông lặn đưa người xuống đáy biển, một lần nữa bác sĩ kiểm tra sức khỏe thợ lặn dầu khí. Mọi chuyện ổn. ‘Thợ lặn vào chuông, chuẩn bị xuống nước’, giám thị Phạm Trọng Khải ra lệnh.
16 thợ lặn của PVCollege dưới sự chỉ huy của giám thị Phạm Trọng Khải lên tàu ra biển đến một giàn khoan cách Vũng Tàu 150km.
Đi cùng họ là các kỹ sư, bác sĩ và giám sát của chủ giàn, cơ quan đăng kiểm. Công việc kíp lặn là khảo sát, kiểm tra và bảo dưỡng, sửa chữa hàng chục mối hàn ở chân đế, đường ống ngầm dưới nước của giàn khoan.
Làm việc dưới biển sâu đến 84m
Trước lúc ra biển, giám thị Khải cùng đồng nghiệp đã lên kế hoạch cho chuyến tác nghiệp kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ. Từ sức khỏe, tâm lý thợ lặn đến hệ thống thiết bị phục vụ đều được kiểm tra, chạy thử.
Ra đến giàn khoan, trước khi chuông lặn đưa người xuống nước, một lần nữa bác sĩ kiểm tra sức khỏe thợ lặn. Mọi chuyện ổn. “Thợ lặn vào chuông, chuẩn bị xuống nước”, giám thị Khải ra lệnh.
Chuông lặn từ từ hạ xuống và chìm dần dưới mặt nước. Đến độ sâu 3m, một quy trình an toàn bắt buộc là chuông lặn dừng lại để hai thợ lặn tự kiểm tra lại thiết bị cho nhau. Tất cả tốt thì giám thị ra lệnh tiếp tục cho chuông lặn đưa họ xuống đến vị trí làm việc ở độ sâu khoảng 50m.
Ở vị trí này – cũng là một quy trình bắt buộc – hai thợ lặn lại tiếp tục tự kiểm tra thiết bị cho nhau. Được báo về mọi thứ tốt, giám thị mới ra lệnh cho thợ lặn 1 ra khỏi chuông bơi đến vị trí mối hàn cần kiểm tra. Còn thợ lặn 2 ngồi trong chuông lặn quan sát thợ lặn 1 làm việc để nếu có sự cố sẽ ứng cứu ngay.
Tất cả hình ảnh, lời nói của thợ lặn đều được camera trên đầu họ truyền về phòng điều khiển lặn.
Giám thị Khải cho biết các mối hàn của những đường ống, chân đế giàn khoan dưới biển lâu ngày có nguy cơ bị hư hại bởi tác động của biển, sinh vật bám vào và sức mỏi vật liệu. Theo định kỳ, những mối hàn này phải được kiểm tra, làm sạch bên ngoài mối hàn bằng nước và cát phun vào, sau đó phải chụp không phá hủy để phát hiện bên trong.
Trung bình để làm sạch mối hàn và chụp không phá hủy phải mất khoảng 20 ca lặn, mỗi ca trung bình kéo dài 30 phút, có thể dài hay ngắn hơn tùy độ sâu. Sau khi hết ca, giám thị ra lệnh cho thợ lặn 1 về chuông, còn thợ lặn 2 thu dây cho thợ lặn 1.
“Thợ lặn đã về đến chuông”, giọng nói từ dưới biển truyền lên phòng điều khiển. “Hai thợ lặn kiểm tra lại thiết bị cho nhau, chuẩn bị rời đáy”, giám thị đáp lại. Từ độ sâu 50m, chuông lặn từ từ nổi lên.
Theo quy trình an toàn bắt buộc, khi lên khỏi đáy, các thợ lặn phải dừng lại nhiều lần ở “nhiều trạm” – tức lên dần để giảm áp mà không nổi lên ngay. Trong đó, khoảng cách từ 18m trở lên thì cứ 3m, thợ lặn phải dừng để giảm áp.
PVCollege có trang bị máy giảm áp nên khi ở khoảng cách 12m, chuông lặn đưa thợ lặn nổi lên mặt nước luôn và vào ngay buồng giảm áp. Thời gian di chuyển từ khoảng cách này vào buồng giảm áp không được quá 7 phút.
Trong buồng giảm áp, thợ lặn được thở oxy tinh chất 99,9% và máy giảm áp sẽ giảm áp dần dần từ 12m xuống 9m, 6m rồi 3m cho đến khi áp suất trong buồng bằng với bên ngoài. Thợ lặn của Trường cao đẳng Dầu khí (PVCollege) đã làm việc dưới nước ở độ sâu đến 84m.
Làm chủ đáy biển an toàn
Năm 2015, PVCollege là cơ sở cung cấp dịch vụ lặn đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội Các nhà thầu hàng hải quốc tế (IMCA). Đến nay cũng mới chỉ có thêm một cơ sở khác ở Vũng Tàu là thành viên IMCA.
Để trở thành thành viên hiệp hội này là cả quá trình năm năm chuẩn bị rất tốn kém về tài chính với kỹ thuật, kỹ năng rất khắt khe.
Tôi ghé thăm PVCollege những ngày đầu tháng 3 mùa biển động. Lúc này, các công trình dầu khí ngoài khơi xa chưa thể tiến hành bảo trì, bảo dưỡng hay sửa chữa bởi sóng gió.
Nhưng tại xưởng PVCollege, những hoạt động liên quan đến lặn biển như rèn thể lực, chạy thử thiết bị, kiểm tra các đường truyền diễn ra nhộn nhịp. Tất cả đã sẵn sàng để sang tháng 4 khi biển êm, thợ lặn xuống nước làm việc.
Lãnh đạo PVCollege cho biết để trở thành một thợ lặn dầu khí đạt tiêu chuẩn IMCA không đơn giản, bởi ngoài có sức khỏe, kỹ năng, kiến thức lặn phải có các chứng chỉ về an toàn, về nghề nghiệp, về khảo sát, xây lắp các công trình dưới biển. Lý do là bởi thợ lặn dầu khí xuống biển phải biết làm việc, chứ không phải xuống nhìn hay quay phim chụp ảnh rồi nổi lên.
“Thợ lặn cho ngành dầu khí thực sự là những người thợ lành nghề như bao người thợ khác, nhưng chỉ có điều đặc biệt là họ làm việc dưới nước nên phải có cả hai kỹ năng này”, thầy Phạm Trọng Khải giải thích.
Do đó, trong rất nhiều người có sức khỏe chỉ chọn được vài người để đào tạo trở thành thợ lặn phục vụ ngành dầu khí. Và để đào tạo được một thợ lặn dầu khí phải mất từ 4-5 năm, một thời gian rất dài.
Huấn luyện, thực hành trên bờ đã khắt khe. Nhưng khi ra biển tác nghiệp thợ lặn dầu khí phải tuân thủ những quy trình bắt buộc còn khắt khe hơn nữa, không chỉ có các phương án dự phòng mà còn có cả phương án dự phòng của dự phòng.
Ông Vũ Văn Hà – giám đốc Trung tâm dịch vụ công trình ngầm (thuộc PVCollege) – cho biết về sinh lý lặn và các nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp của thợ lặn không có gì thay đổi so với trước đây.
Nhưng ngày nay, thợ lặn được đào tạo một cách bài bản, học nhiều kỹ năng và quan trọng là làm việc theo quy trình chuẩn, có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Nhờ đó, thợ lặn dầu khí ngày nay gần như được đảm bảo an toàn tuyệt đối, giảm thiểu tối đa các bệnh nghề nghiệp.
Với năng lực làm chủ đáy biển, nhiều năm qua thợ lặn Việt Nam đã thay dần thợ lặn nước ngoài. Những công việc nặng nề, khó khăn dưới biển đều được thợ lặn dầu khí hoàn thành trong an toàn, điển hình như thay một chiếc van ngầm nặng khoảng 10 tấn ở độ sâu gần 30m, thay thế vật tư nặng đến 13 tấn…
Khác hẳn ngư dân lặn biển
Một trong những việc không thể thiếu trong khai thác dầu khí ngoài khơi là thợ lặn. Khi xây dựng các giàn khai thác, thợ lặn trực tiếp tham gia đấu nối đường ống, thiết bị ngầm.
Lúc khai thác, thợ lặn phải khảo sát đánh giá tình trạng và bảo dưỡng, sửa chữa phần chân đế, đường ống dưới mặt nước. Khi hết khai thác, thợ lặn lại tham gia thu dọn mỏ.
Anh Nguyễn Văn Thọ (32 tuổi) cho biết trước khi trở thành thợ lặn dầu khí, anh từng làm ngư dân lặn biển. Anh khẳng định thợ lặn dầu khí khác biệt rất lớn so với thợ lặn “dân gian” sang.
“Nhờ được đào tạo, huấn luyện kỹ năng, được những thiết bị hiện đại hỗ trợ mà tôi rất tự tin khi xuống nước làm việc”, anh Thọ nói.
Cứu nhiều người thoát liệt
Từ khi được trang bị các buồng giảm áp cho thợ lặn, PVCollege đã nhiều lần cứu người thoát cảnh liệt người. Năm 2018, trường đã điều trị giúp anh Nguyễn Văn Trường (Vĩnh Linh, Quảng Trị) khỏi ngồi xe lăn. Anh Trường mắc bệnh giảm áp, liệt chân sau khi lặn tôm hùm ở Vĩnh Linh.
May mắn, anh được đưa vào Vũng Tàu và được PVCollege điều trị bằng buồng giảm áp. Với thiết bị này cùng kinh nghiệm chữa bệnh nghề nghiệp cho thợ lặn của đội ngũ bác sĩ, giám thị lặn, sau bốn ngày anh Trường đã được phục hồi hoàn toàn.
Từ ngày tham gia hoạt động lặn đến nay, trường đã cấp cứu cho hơn 10 người bị nạn tương tự như anh Trường. Và chuyện cứu người ở đây hoàn toàn mang tính nhân đạo bởi trường không có chức năng hoạt động này.
Theo báo Tuổi trẻ