Phát hiện này ngay lập tức đã làm thay đổi chiến lược xây dựng và phát triển khu vực mỏ Bạch Hổ. Trong tháng 10/1989, lưu lượng trung bình hằng ngày của một giếng là 255 tấn/ngày, của giếng mới là 618 tấn. Các nhà khoa học đã tính toán rằng, nếu không có giếng khai thác từ tầng đá móng, sản lượng trung bình hằng ngày từ một giếng sẽ chỉ là 94,2 tấn, còn giếng mới – 121,5 tấn mỗi ngày.
Mỏ Bạch Hổ thuộc Lô 09-1 được Vietsovpetro khai thác từ năm 1986.
Từ hồi năm 1979, trên các cấu trúc Cửu Long và Đồng Nai, Công ty Tây Đức “Deminex” với hai giếng khoan đã phát hiện một nền tảng đá granit. Sau đó, cũng trong cùng năm này, ba giếng khoan “Agip” của Công ty Ý và hai giếng khoan của Công ty Canada “Thung lũng Bow” cũng thâm nhập đến nền tảng này. Tuy nhiên, không có giếng nào trong số các giếng khoan trên đây được tiến hành thử nghiệm dòng, bởi vì những bẫy hydrocarbon tiềm năng của khu vực này kết nối với nhau và cuối cùng đã được phát hiện trong các trầm tích của hạ Miocen, mà trên thực tế chỉ là những thấu kính nhỏ riêng rẽ với trữ lượng dầu không nhiều. Sản lượng của các giếng hóa ra là thấp hơn so với kế hoạch (không phải 326 tấn như trong giếng khoan đầu tiên “Mobil” mà chỉ có 26 tấn) và đôi khi chỉ còn lại nỗi thất vọng: những khoản đầu tư khổng lồ được thực hiện để xây dựng các cơ sở khai thác dầu khí tại Việt Nam có thể sẽ trở thành vô ích. Mặc dù những ám chỉ đầu tiên về tính phức tạp và mơ hồ của đánh giá ước lượng tiềm năng dầu khí trong các lớp trầm tích dưới sâu đã có từ giếng No BT-1 và sau đó là ở giếng No BT-3”.
Trích hồi ký của ông Vovk V.S., năm 1984-1986 là Cục trưởng Cục Khoan của Liên doanh Vietsovpetro: “Giếng [No BT-1, được khoan từ giàn MSP-1. – Chú thích của tác giả] đã được khoan đến độ sâu thiết kế và thường lệ là chỉ còn phải tiến hành lấy mẫu lõi. Chúng tôi vẫn còn thiếu 20-30 mét so với kế hoạch, đầu đục vẫn chưa bị mài mòn và chúng tôi quyết định khoan sâu hơn. Khi đạt đến nền móng thì sự hấp thụ dung dịch khoan bắt đầu xảy ra. Để khắc phục hiện tượng này, chúng tôi sử dụng luôn các phương tiện có sẵn, mà cụ thể là vỏ trấu của hạt thóc, khi nở ra trong nước sẽ trở thành chất trám nhét các vết nứt và ngăn ngừa tai nạn.
Khi mọi thứ đã bình thường lại, chúng tôi bắt đầu phân tích tình hình. Nếu dung dịch bị mất đi, có nghĩa là có những vết nứt có thể chứa dầu. Các ý kiến khác nhau được nêu ra về việc nên hành động tiếp như thế nào. Người phó thứ nhất của ông F.G.Arzhanov, một chuyên gia địa chất Việt Nam có tiếng, sinh viên tốt nghiệp Viện Dầu khí và Hóa học Azerbaijan lên tiếng phản đối việc khoan xuống nền tảng, nhưng chúng tôi vẫn liều lĩnh chấp nhận rủi ro và khoan sâu xuống thêm 20 mét nữa, bắt đục “làm việc” và thử vỉa chứa nhưng không thu được gì. Cho dù chúng tôi đã cố gắng bao nhiêu nhưng tất cả đều vô hiệu: vỏ trấu làm nghẽn thiết bị thử vỉa packer. Ban lãnh đạo hay tin về “sự tùy tiện” của chúng tôi, trong cuộc họp tôi bị khiển trách rất nặng nề, thậm chí còn bị gọi là “kẻ thù của nhân dân Việt Nam” và phải từ bỏ việc thực hiện những nỗ lực kế tiếp. Chúng tôi dừng thử nghiệm, trám xi măng giếng, thử nghiệm thời địa tầng thiết kế và nhận được khoảng 86m3 dầu mỗi ngày, vào thời điểm đó thì đây là một kết quả tốt và chúng tôi bình tĩnh lại. <…> Trước khi rời đi, tôi đã khuyên người kế nhiệm của mình là ông Alexander Puntov khoan giếng tiếp theo cho tới thắng lợi cuối cùng, bởi vì tôi tin trong nền móng có chứa dầu”.
Trích hồi ký của ông Nguyễn Văn Đức, trong những năm 1987-1989 là Cục trưởng Cục Địa chất Vietsovpetro: “Không một ai có ý nghĩ về sự tồn tại của dầu trong tầng đá móng vào những năm 80”, Ý tưởng chính của các nhà địa chất Liên doanh Vietsovpetro sau khi nhận được những thông tin trái chiều từ tất cả các giếng vòm phía Bắc và phía Nam mỏ Bạch Hổ, sau nhiều trường hợp mất dung dịch khoan trong các giếng thăm dò là khoan sâu thêm vào tầng móng một chút để hiểu rõ hơn về cấu tạo của các tầng phía trên. Chúng ta đã đọc trong tài liệu nước ngoài rằng, ở khu vực Đông Nam Á rất phổ biến những khối núi đá granit, chúng bị rửa mòn và hình thành tầng đá cát kết có độ xốp thấp và độ thẩm thấu thấp trong lớp vỏ phong hóa. Tôi đã thu thập rất nhiều tài liệu về các mỏ đá granit – Algeria, Libya, ở đó chúng cũng có nhưng không phải khối lượng lớn như vậy và có độ dày nhỏ hơn nhiều. Tính độc đáo của thềm lục địa nước ta là vỉa chứa dầu là những granitoid “tươi mới” không bị ảnh hưởng bởi quá trình phong hóa, với chiều cao của các vỉa hơn 1.000 mét. Nói chung, chúng tôi đề xuất khoan sâu vào tầng đá móng thêm 100-200 mét. Địa chấn cho thấy rằng, trên vòm phía bắc của mỏ Bạch Hổ, nền móng đã được nâng lên khá cao. Tình huống này đóng một vai trò tích cực trong việc phát hiện ra dầu trong một hồ chứa ngầm bất thường như vậy”.
Trích hồi ký của ông Trần Ngọc Cảnh, trong những năm 1987-1989 là Viện phó Viện NIPI (Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế Dầu khí biển) của Liên doanh Vietsovpetro: Việc phát hiện ra dầu ở trong tầng móng bất ngờ vì hai lý do. Thứ nhất, khi đó người ta tin rằng dầu không thể có ở trong tầng đá móng. Thứ hai, Công ty Dominex đã khoan qua tầng đá móng đến 5-10 mét ở khối 15 nhưng cũng không nhận được gì. Đối với giếng đầu tiên thì ở mức độ nào đó có thể gọi là tình cờ. Rất khó để xác định ranh giới chính xác giữa trầm tích Đệ Tam và tầng đá móng. Chất lượng các công tác khảo sát địa chấn rất thấp, sai số có khi lên đến vài chục mét. Chúng tôi khoan và đâm vào phần xốp và nứt nẻ của tầng đá móng. Sự hấp thu dung dịch khoan bắt đầu. Xuất hiện một màng dầu trong dung dịch. Sau đó, chúng tôi quyết định thử nghiệm giếng”.
Trích hồi ký của ông Vovk V.S., trong những năm 1988-1993 là Tổng Giám đốc Liên doanh Vietsovpetro: Khi tôi trở lại, dĩ nhiên là tôi đã hỏi về tình hình công việc ở giếng khoan đầu tiên. Lưu lượng dầu ở giếng này khi đó là gần 7 tấn/ngày đêm và nó đang “tắt dần”. Lần này thì không hề có trở ngại hành chính nào. Tôi đã ra lệnh lập kế hoạch thi công khoan và đưa đến các thiết bị cần thiết để khoan và thử nghiệm giếng tiếp theo. Chúng tôi khoan hết một mũi, tiến hành kiểm tra – không phát hiện bất cứ trục trặc nào. Phải làm gì đây? – Khoan tiếp! Tiếng chuông vang lên vào lúc 3 giờ sáng: “Giếng đang hoạt động, áp suất khoảng 120 atmosphere!”. Ngay sáng hôm sau họ bay vào, xem xét, lập kế hoạch công việc, nhanh chóng chuẩn bị và đóng đai rồi đưa giếng vào hoạt động luôn trong trạng thái lúc đó là cùng với ống khoan và đục khoan. Trong một giờ, lưu lượng đạt được là 1.200 tấn toàn dầu. Chỉ bốn tháng sau, giếng mới được chuyển từ sơ đồ tạm thời sang thường xuyên”.
Phát hiện này ngay lập tức đã làm thay đổi chiến lược xây dựng và phát triển khu vực mỏ Bạch Hổ. Trong tháng 10/1989, lưu lượng trung bình hằng ngày của một giếng là 255 tấn/ngày, của giếng mới là 618 tấn. Các nhà khoa học đã tính toán rằng, nếu không có giếng khai thác từ tầng đá móng, sản lượng trung bình hằng ngày từ một giếng sẽ chỉ là 94,2 tấn, còn giếng mới – 121,5 tấn mỗi ngày. Giàn cố định MSP-2, mà trước phát hiện này đã có dự định cắt chân và di chuyển sang vòm bắc, đã được giữ nguyên. Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế Dầu khí biển (NIPI) bắt đầu xây dựng một kế hoạch phát triển mới cho khu mỏ này.
Vào tháng 2/1989, phiên họp lưu động của Ủy ban Nhà nước về trữ lượng khoáng sản (GKZ) của Liên Xô, cùng với một Ủy ban tương tự của Việt Nam đã phê duyệt trữ lượng mỏ “Bạch Hổ” – 53 triệu tấn dầu loại B+C1 và 54,2 triệu tấn – loại C2. “Rồng” và “Đại Hùng” với tổng trữ lượng 36,2 triệu tấn loại C1 và 156,2 triệu tấn loại C2, đang ở trong giai đoạn thăm dò. Phiên họp của GKZ Liên Xô theo yêu cầu của phía Việt Nam được tổ chức tại Việt Nam, việc này được thực hiện có chủ ý với mục đích đào tạo các đồng nghiệp nước sở tại, điều một lần nữa nhấn mạnh tính độc đáo của hình thức hợp tác kinh tế hiện tại giữa hai nước…”.
Nguyễn Như Phong