Từ đó đến nay, Việt Nam đã khai thác từ tầng chứa móng nứt nẻ gần 220 triệu tấn dầu (khoảng 80% tổng sản lượng dầu), thu gom trên 26 tỷ mét khối khí, gần 8 triệu tấn LPG và condensate, với tổng doanh thu dầu khí khai thác từ tầng móng trên 70 tỷ USD. Đó là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành dầu khí Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và sự phát triển ổn định chung của nền kinh tế Việt Nam.
***
Chuyện là thế này:
Tháng 5/1984 dòng dầu đầu tiên được tìm thấy tại thềm lục địa Việt Nam. Và ngày 3/6/1984, lễ mừng dòng dầu được tổ chức long trọng tại Vũng Tàu. Người dầu khí hân hoan, tự hào, nhân dân cả nước vui mừng.
Nhưng mấy ai biết được những ngày gian khổ và có những lúc tưởng như tuyệt vọng ấy.
Sự việc đầu tiên có lẽ phải nhắc đến từ giếng khoan BH-5. Ngày 25/12/1983, tàu khoan Mirchin khoan giếng BH-5 gần vị trí giếng BH-1X của Công ty Mobil trước đây. Giếng dự kiến sẽ khoan hết lát cắt trầm tích Đệ Tam với chiều sâu thiết kế 3.500m dựa theo cấu trúc giếng của BH-1X. Hy vọng của cả nước đặt vào kết quả giếng khoan này. Kỹ sư Đặng Của – Vụ trưởng Vụ Khoan và Khai thác đại diện Tổng cục Dầu khí (phía Việt Nam) trực tiếp giám sát. Hy vọng vào giếng khoan này lớn đến nỗi vào những ngày cuối tháng 4, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ra thăm giàn khoan và động viên cán bộ, công nhân…
Nhưng sau khi khoan qua “tầng sản phẩm 23” ở chiều sâu khoảng 2.730m (hiện gọi tầng dầu Bạch Hổ) đến khoảng chiều sâu 3.001m thì lo ngại với chiều sâu quá lớn không được chống ống và nếu gặp phức tạp địa chất do tầng sét trương nở ở khoảng 2.600m, tương tự khi Mobil khoan giếng BH-1X, có thể gây sự cố cho giếng, nên hai phía chấp nhận dừng ở chiều sâu 3.001m, không khoan đến chiều sâu thiết kế để đảm bảo an toàn cho giếng và tầng sản phẩm đã gặp ở giếng BH-1X.
Ngày 25/5/1984, thử vỉa phát hiện dầu trong trầm tích Miocen (tầng 23), cả nước vui mừng vì lần đầu tiên Việt Nam tìm thấy dầu và dầu chắc chắn sẽ được khai thác trong tương lai gần. Lễ đốt đuốc mừng dòng dầu công nghiệp được tổ chức. Không vui sao được khi đất nước tràn đầy khó khăn nay phát hiện thấy dầu – một cứu cánh cho đất nước.
Tin vui thật đấy nhưng cũng là nỗi lo cho những người làm địa chất dầu khí ở Vietsovpetro vì lưu lượng thử khoảng 20 tấn/ngày, chỉ bằng 1/15 lưu lượng mà Mobil công bố. Tại sao có chuyện như vậy? Trong khi bắn vỉa ở giếng BH-5 có gì sai sót chăng? Hoặc do bản thân năng lượng vỉa yếu không đúng như Mobil công bố? Làm việc với nhóm kỹ thuật của tàu Mirchin thì không thấy có gì sai sót trong quy trình thử vỉa và chọn vị trí bắn…
Vấn đề này còn trở nên quan trọng vì cuối năm 1984, Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô phải phê duyệt trữ lượng và sơ đồ công nghệ khai thác thử mỏ Bạch Hổ. Với kết quả giếng BH-5 như thế này, việc phê duyệt sẽ là một khó khăn lớn… cần phải nhanh có giếng thăm dò thứ hai!
Năm 1984-1985, các khối chân đế MSP 1, 2 lần lượt được đưa ra biển và bắt đầu xây lắp giàn MSP-1 để khoan các giếng khai thác tại vị trí hiện được gọi là vòm trung tâm mỏ Bạch Hổ, nơi giếng BH-1X (Mobil) phát hiện dầu…
Về vị trí giếng thăm dò tiếp sau là cả một sự gay cấn! Đa số cho rằng phải khoan ở vị trí không xa giếng BH-5, quanh khu vực “đỉnh của mỏ Bạch Hổ”, có lẽ với mong muốn có một lưu lượng tốt hơn để khẳng định triển vọng mỏ Bạch Hổ. Mặc dù không nói ra, nhưng ai cũng cảm nhận giếng BH-5 không giải quyết được mục tiêu đề ra.
Đối với Vietsovpetro, tầng 23 được khẳng định có dầu và mục tiêu lúc bấy giờ của Vietsovpetro là trữ lượng mỏ Bạch Hổ có bao nhiêu, vì đó là yếu tố quyết định đến tương lai phát triển của Xí nghiệp Liên doanh. Cần phải nhanh chóng mở rộng diện tích thăm dò! Lãnh đạo Vietsovpetro – đặc biệt là phía những người Việt Nam cương quyết bảo vệ luận điểm của mình yêu cầu khoan giếng BH-4 ở phía Bắc mỏ Bạch Hổ, cách giếng BH-5 khoảng 10km, mặc dù nhiều người phản đối, cho rằng vị trí giếng BH-4 thiếu cơ sở khoa học.
Quan điểm khoan giếng BH-4 được phía Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô ủng hộ. Trong cuộc họp nội bộ phía Việt Nam ngày 7/6/1984, ông Ngô Thường San và ông Nguyễn Văn Đức – Phòng Địa chất, cố gắng thuyết phục khoan giếng BH-4 nhưng không thành. Hội nghị quyết định Vietsovpetro phải chọn vị trí ở BH-3. Kết luận hội nghị được thông báo cho Tổng Giám đốc Ardjanov và ông Nguyễn Ngọc Cư lúc đó bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thứ Nhất.
Ông Ardjanov báo cáo về Moskva, còn ông Cư cùng Phó Tổng cục trưởng Phan Tử Quang báo cáo cho Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười về quan điểm của phía Liên Xô và của các chuyên gia Việt Nam trong Xí nghiệp Liên doanh.
Ngày hôm sau, ông Cư thông báo là đã nhận được điện của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười cho khoan giếng BH-4. Mặc dù được sự đồng ý cũa lãnh đạo cấp trên, nhưng nỗi lo vẫn canh cánh trong lòng… Nếu giếng BH-4 không phát hiện dầu thì sao?… Nếu giếng nằm ngoài ranh giới khép kín địa chấn như một số chuyên gia khẳng định thì sao?… Lại thêm một nguyên nhân để trở thành “scandal” nữa. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo Vietsovpetro vẫn quyết định khoan BH-4 và giao trách nhiệm cho Phòng Địa chất cùng Phòng Khoan chuẩn bị dữ liệu khoa học, xây dựng phương án và thiết kế giếng, tổ chức giám sát thi công an toàn, đạt mục tiêu đề ra đối với giếng BH-4.
Giàn khoan Ekabi thu via dầu trong tầng móng mỏ Bach Hổ |
Ngày 22/7/1984, giàn Ekhabi bắt đầu khoan giếng BH-4. Tháng 10/1984, đoàn của Vietsovpetro sang Moskva để tham gia duyệt báo cáo trữ lượng và sơ đồ công nghệ mỏ Bạch Hổ do Viện Nghiên cứu và Thiết kế Xakhalin lập. Hội nghị dễ dàng thông qua khi được tin vui từ Vũng Tàu thông báo là đã khoan qua tầng 23 có biểu hiện dầu tốt, đồng thời cũng đang gặp tầng sản phẩm mới khá dày, biểu hiện dầu tốt có thể có tuổi Oligocen. Các đồng nghiệp Liên Xô ủng hộ phương án khai thác sớm mỏ Bạch Hổ rất hân hoan về thành công này. Giếng BH-4 mở ra một triển vọng mới đối với Vietsovpetro khi khẳng định được sự duy trì của tầng 23 ở vòm Bắc, nhưng vấn đề quan trọng là ngày 15/2/1985 đã phát hiện tầng dầu mới có sản lượng cao – tầng Oligocen, mà trước đó các công ty tư bản như Agip, Deminex không thừa nhận có triển vọng ở thềm lục địa Nam Việt Nam và các giếng đều dừng ở nóc tầng “Barat” (Oligocen). Tổng lưu lượng các vỉa có thể lên đến 1.000 tấn/ngày. Ngày 7/3/1985, mặc dù biển rất động nhưng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, các Phó Chủ tịch Tố Hữu, Đỗ Mười và đoàn của Chính phủ, Tổng cục Dầu khí đi tàu Gambursev ra thăm giàn Ekhabi để chứng kiến kết quả thử vỉa. Nhưng rất tiếc biển động rất mạnh, tàu phải quay về bờ.
Giữa năm 1985, giếng khoan BH-1 bắt đầu được khoan từ giàn MSP-1. Giếng mang nhiệm vụ vừa khai thác vừa thăm dò. Mọi người rất kỳ vọng và mong đợi ở kết quả giếng BH-1. Mặc dù tầng 23 được xác định ở chiều sâu 2.730m, nhưng vì có nhiệm vụ thăm dò nên giếng được thiết kế khoan hết lát cắt trầm tích đến chiều sâu thiết kế 3.300m, lý do là theo tính toán mặt phản xạ tầng móng được xác định ở 3.150m và theo quy định của giếng thăm dò ở Liên Xô thì chiều sâu thiết kế phải cộng thêm 5%. Khi khoan đến chiều sâu khoảng 3.000m, giếng gặp phải tầng sét đen, sau đó ở độ sâu 3.030m bắt đầu có những thành phần các mảnh vỡ sắc cạnh của thạch anh và felspat bị kaolinit hóa mạnh được xem như lớp “sạn kết đáy”. Lúc đó chưa có khái niệm về móng granit. Vì có biểu hiện dầu nên vẫn tiếp tục khoan, nhưng càng xuống sâu đến 3.118m càng bị mất dung dịch mạnh. Không có hóa chất xử lý, đã có sáng kiến dùng vỏ trấu trộn vào dung dịch khoan để chống mất dung dịch. Việc báo cáo lên trên, ông Phan Tử Quang phải cho đi mua đất sét từ trên Di Linh ở Lâm Đồng xuống để thay dung dịch khoan, còn công nhân dầu khí thì đi mua trấu. Sáng kiến trộn trấu với đất sét là do ông Vovk V.S., Giám đốc Xí nghiệp Khoan cùng ông Đinh Văn Danh, Phó Giám đốc nghĩ ra. Bà con ở Bà Rịa ngày ấy vô cùng thích thú khi thấy công nhân của Vietsovpetro đi khắp nơi mua trấu. Vỏ trấu từ Bà Rịa được khẩn cấp chở ra biển bằng tàu dịch vụ. Cố gắng khoan tiếp đến 3.178m… Để đảm bảo an toàn cho giếng và tầng 23, lãnh đạo Vietsovpetro quyết định dừng khoan và hoàn tất giếng để thử vỉa.
Khi thử vỉa vì dung dịch lẫn trấu bịt bộ thử vỉa nên kết quả ghi cho hình ảnh là vỉa “khô”, cộng với tài liệu carôta không đầy đủ, nên trên bờ kết luận là vỉa không có dòng dầu, yêu cầu kết thúc thử vỉa, mặc dù có ý kiến yêu cầu cho phép thử lại. Giếng không lấp và nén ximăng mà chỉ đổ cầu ximăng, với suy nghĩ đơn giản là giếng sau khi khai thác tầng trên xong sẽ tìm cách quay lại để thử “lớp sạn kết đáy” này… Tiếp tục thử tầng 24… không có dòng. Trong bờ điện cho ông Ngô Thường San, lúc đó đang ở MSP-1, phải nhanh chóng kết thúc thử vỉa để chuyển sang khai thác tầng 23, không để tàu chứa và xử lý dầu (UBN) Krưm phải chờ đợi. Sau khi đặt xong cầu ximăng ngăn cách, việc bắn vỉa và khai thác tầng 23 được thực hiện theo chương trình và dòng dầu đầu tiên được chuyển về UBN-1 (tàu Krưm) ngày 26/6/1986 trong niềm hân hoan chung của đất nước, của tập thể cán bộ, công nhân viên Vietsovpetro và của những người tìm dầu.
Nhưng đối với lãnh đạo và các cán bộ Phòng Địa chất Xí nghiệp Liên doanh niềm vui ấy không trọn vẹn. Sản lượng chỉ vẻn vẹn hơn 100 tấn/ngày, áp suất đầu giếng thấp, khoảng trên 20 at, thể hiện năng lượng vỉa yếu, thấp hơn cả kết quả thử tầng 23 ở giếng BH-4 ở vòm Bắc.
Giếng thứ 2 (BH-28) khoan tiếp tục từ MSP-1 về hướng MSP-2 không cho dòng. Tầng 23 gần như bị mất hẳn… do đứt gãy hay do bị sét hóa? Nếu là do sét hóa thì đó là bi kịch đối với Vietsovpetro! Những giếng tiếp tục từ giàn MSP-1 không cho dòng tốt hơn giếng BH-1, khẳng định tầng 23 không triển vọng tốt như đã nghĩ và đặc biệt bị vát mỏng do sét hóa về hướng MSP-2, nơi đã đặt chân đế giàn cố định và chuẩn bị xây lắp cấu trúc bên trên…
Giếng BH-1 sau thời gian khai thác, khoảng 4 tháng, từ áp suất đầu giếng ~ 23 at tụt xuống còn khoảng 10 at, các giếng sau cũng không bổ sung lưu lượng tốt hơn. Sản lượng toàn MSP-1 chưa đến 100 tấn/ngày. Nhìn ngọn đuốc cháy leo lét ở faken (đuốc) MSP-1 mà không khỏi bùi ngùi…
Chính lúc mà mọi người dân Việt Nam đang vui mừng vì đất nước có dầu, thì cũng là lúc Xí nghiệp Liên doanh lâm vào tình trạng rất khó khăn, bế tắc. Đó là sản lượng mỏ Bạch Hổ vừa mới khai thác đã có nguy cơ sụt giảm nhanh chóng… Xí nghiệp Liên doanh đã phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn, tưởng chừng không thể vượt qua được. Tư tưởng hoang mang, bi quan, chán nản nảy sinh ở không ít người trong Xí nghiệp, kể cả những người có nhiệt huyết, tận tâm với ngành Dầu khí. Không “hoang mang, chán nản” sao được khi mà mọi người dân Việt Nam tin tưởng rằng đất nước sẽ có nhiều dầu, khi mà đất nước chắt chiu để dành cho dầu khí những khoản đầu tư không nhỏ, v.v… bỗng chốc vấp phải một thực tế khắc nghiệt. Niềm hy vọng mong đợi vừa mới nhen lên đã bị tiêu tan.
Sự hoang mang cực độ bắt đầu lan dần từ Vietsovpetro ra Hà Nội, Tổng cục Dầu khí, lên cấp trên và đặc biệt ở Moskva. Phản ứng đầu tiên là sự chuyển giao Vietsovpetro từ Bộ Công nghiệp Khí sang Bộ Công nghiệp Dầu. Nhiều người trong đoàn chuyên viên Liên Xô trước đó, kể cả trưởng đoàn đều bị chuyển công tác.
(còn tiếp)
Nguyễn Như Phong