Trong Tạp chí Kinh tế Dầu (số 1995-4, trang 45), các tác giả Arusanov P.A. và Sut F.E. viết: “Kết quả kiểm tra hời hợt của Hội đồng Bộ trưởng và từ kết luận không có cơ sở, 3 lãnh đạo của Bộ Công nghiệp Khí, trong đó có Ardjanov F.G. bị bãi miễn công tác. Ông Ardjanov đã báo cáo Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Ligachov E.K., khi Bí thư đến dự Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, thăm Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã đánh giá cao quá trình chinh phục tài nguyên dầu khí ở miền Nam Việt Nam và trao cho tập thể Xí nghiệp Liên doanh Huân chương Cờ đỏ. Theo ý kiến của Bí thư Ligachov E.K., quyết định không đúng đắn bị loại bỏ. Ông Ardjanov trở lại tiếp tục làm việc ở Xí nghiệp Liên doanh…”.
Trong Vietsovpetro, sức ép từ nhiều chuyên gia Liên Xô muốn tìm hiểu ai là người “sáng tạo” ra chủ trương xây dựng 2 giàn MSP-1, 2, đầu tư cơ sở hạ tầng và tập trung phê phán gay gắt: bước đi vừa qua đã gây thiệt hại và không lối thoát… “vứt tiền qua cửa sổ”! Về phía Việt Nam, đã có người nói: Hình ảnh hai chân đế giàn MSP-2 như “Từ Hải chết đứng giữa biển!”. Tổng Giám đốc Ardjanov, con người rất tâm huyết với công việc, khi ốm được Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười điện hỏi thăm, cũng rất băn khoăn: Có nên dừng khai thác mỏ Bạch Hổ và mở rộng tìm kiếm sang các lô khác để có một chiến lược hoàn chỉnh cho Vietsovpetro hay cứ tiếp tục chờ các giếng ở MSP-1 đang tắt dần? Quan điểm mở rộng diện tích hoạt động cho Vietsovpetro được Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Nguyễn Ngọc Cư ủng hộ và báo cáo xin ý kiến Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Kết quả Xí nghiệp Liên doanh được mở rộng diện tích hoạt động ra các lô 15, 17 và 05 (Đại Hùng).
Giàn Công nghệ trung tâm số 2 – mỏ Bạch Hổ |
Về phía Việt Nam, tư tưởng bi quan cũng có tác động đến chủ trương của lãnh đạo, làm chậm việc đầu tư xây dựng cảng dầu khí, không tiếp tục xây dựng khu nhà ở 5 tầng, điều một số cán bộ chủ chốt ra Hà Nội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rất quan tâm và trong chuyến công tác tại Vietsovpetro, yêu cầu Phó Tổng Giám đốc Địa chất Vietsovpetro Ngô Thường San báo cáo thực trạng của mỏ Bạch Hổ. Sau khi nghe báo cáo, Đại tướng điềm tĩnh nói: “Các đồng chí phải bình tĩnh và kiên trì. Phải tin vào trình độ của các bạn Liên Xô”. Rồi Đại tướng động viên anh em phải tiến lên phía trước, không được nghĩ đến lùi bước.
Đoàn chuyên viên cao cấp của Bộ Công nghiệp Dầu do Thứ trưởng Philimonov dẫn đầu, sang kiểm tra công việc, tham gia đoàn có Vụ trưởng Vụ Địa chất và Công nghệ mỏ. Phòng Địa chất được giao nhiệm vụ chuẩn bị tất cả các tài liệu để đoàn kiểm tra. Xí nghiệp Liên doanh chờ đợi một sự phê phán và kết luận tiêu cực đối với mỏ Bạch Hổ, thì ngược lại, các ông lại hướng dẫn cách tổ chức kiểm tra khai thác sao cho tốt hơn và cần phải nhanh chóng tổ chức bơm ép nước và chuẩn bị khai thác thứ cấp bằng bơm ly tâm.
Trước khi kết thúc việc kiểm tra, Thứ trưởng Philimonov lưu ý: “1/ Cần tập trung tổ chức, đẩy nhanh tiến độ xây lắp và khai thác khu vực phía Bắc mỏ. 2/ Tổ chức lại công tác kiểm tra khai thác. 3/ Sẽ cử các chuyên gia về công nghệ mỏ sang Vietsovpetro, xây dựng trong Xí nghiệp Liên doanh một viện nghiên cứu và thiết kế đủ mạnh để có thể thực hiện chức năng thiết kế mỏ và các công trình biển tại Việt Nam. 4/ Đặc biệt quan trọng là ngay lúc đó phải tổ chức bơm ép nước để duy trì áp suất vỉa. Việc bơm ép duy trì áp suất vỉa không kịp thời sẽ gây hậu quả khó khăn về sau, ảnh hưởng đến hệ số thu hồi…”.
Viện Nghiên cứu và Thiết kế (NIPI) ra đời và làm lại thiết kế mỏ Bạch Hổ, tập trung chủ yếu ở phía Bắc mỏ với 5 giàn từ MSP-3 đến MSP-7 theo mạng 400x400m cho tầng 23 và 600x600m cho tầng Oligocen dưới. Loay hoay mãi với các phương án khai thác nhưng Viện NIPI, lúc đó Phó Viện trưởng Demuskin, cũng không sao đưa ra được phương án sản lượng 1 triệu tấn dầu/năm vào năm 1990, có lẽ đó là lượng dầu mà Liên Xô phải đảm bảo hằng năm cho Việt Nam. Năm 1983, khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng thăm Vietsovpetro có lần cũng đã nói lên điều mong ước này của đất nước. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với Vietsovpetro là phải đánh giá xong trữ lượng mỏ Bạch Hổ, đặc biệt khu vòm Bắc và hoàn tất phương án khai thác thử mỏ Bạch Hổ, điều chỉnh lên vòm Bắc. Phía Liên Xô không cung cấp kịp chân đế và các block kiến trúc bên trên. Tổng Giám đốc Arzanov chỉ đạo cho Chánh kỹ sư Puri làm việc với Viện Nghiên cứu của Ucraine tổ chức “cưa” chân đế MSP-2 và chuyển lên phía Bắc, tận dụng các block của MSP-2… công tác này phải được thực hiện trong năm 1988…
Để tiếp tục nhiệm vụ thăm dò đánh giá trữ lượng, giếng Bạch Hổ-6 (BH-6) được khoan với nhiệm vụ khoanh ranh giới phát triển tầng Oligocen về phía Nam, đồng thời cũng để xác định ranh giới tầng 23.
Lấy mẫu lõi trong khoảng chiều sâu 2.800-3.700m với số lượng 9 hiệp, mỗi hiệp 18m (162m). Để biết đặc tính các tầng sản phẩm, tiến hành lấy mẫu khi có dấu hiệu dầu xuất hiện cho đến khi không còn thấy dầu xuất hiện nữa. Nhằm nghiên cứu đặc tính tầng móng và xác định ranh giới tầng trầm tích – móng, khoan lấy một hiệp 18m. Chiều sâu thiết kế giếng khoan 3.700m, khoan thẳng đứng. Khởi công khoan: 20 giờ ngày 16/8/1986. Kết thúc khoan: 16 giờ ngày 5/5/1987, chiều sâu cuối cùng: 3.533m.
Giếng khoan cho thấy tầng 23 bị sét hóa, ít triển vọng, tiếp tục khoan qua tầng sét đen gặp tập cát sét mỏng, sau đó là đến tầng móng phong hóa. Lúc này các nhà địa chất đã có thể phân biệt tầng móng qua tài liệu karota.
Ngày 11/5/1987 tàu khoan Mirchin tiến hành thử vỉa.
Đối tượng I, thử từ khoảng chiều sâu 3.508-3.515m (thân trần 3.501-3.533m). Thử lần thứ nhất, trong biên bản ghi tầng thử Mezozoi (tầng móng), lưu lượng dầu 505m3/ngày đêm, khí 23.000m3/ngày đêm qua côn đường kính 15,08mm. Khoảng chiều sâu 3.494m áp lực vỉa Pv=406,26 at, nhiệt độ vỉa Tv=132,50C. Thử lần thứ hai, biên bản ngày 24/5/1987 ghi tầng thử là Oligocen, lưu lượng dầu 477,1m3/ngày đêm, khí 31.700m3/ngày đêm qua côn đường kính 15,08mm. Trong biên bản thử cuối cùng ngày 3/6/1987, xác định lưu lượng dầu 477,1m3/ngày đêm qua côn đường kính 15,08mm.
Thật là vui mừng và ngỡ ngàng khi phát hiện dòng có lưu lượng đạt tới 500 tấn/ngày ở vỉa đáy của giếng BH-6.
Nhưng… dầu từ đâu? Có hai ý kiến:
Đa số cho rằng dầu từ Oligocen, với lý do là về năng lượng vỉa, lưu lượng khá giống số liệu tầng Oligocen được phát hiện tại giếng BH-4.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, dầu được phát hiện là từ tầng móng nhưng khó tin là tầng phong hóa của móng lại có lưu lượng cao đến thế và trong các văn liệu địa chất giáo khoa cũng ít nói đến các mỏ tương tự.
Nhưng quan trọng hơn cả là nếu khẳng định dầu từ trong móng, có nghĩa là phủ định sự có mặt dầu trong Oligocen tại giếng BH-6 này, như thế nhiệm vụ thăm dò tầng Oligocen không hoàn thành, nay phát sinh thêm một đối tượng mới sẽ làm chậm tiến độ tính trữ lượng và thời hạn hoàn thành “Sơ đồ khai thác thử công nghiệp mỏ Bạch Hổ”. Mặc dù lúc đó Phòng Địa chất thuyết phục rằng, đó là tầng sản phẩm mới – móng phong hóa!… Để dung hòa hai ý kiến, phương án duy nhất là xem vỏ phong hóa và tầng Oligocen là một đối tượng khai thác và có sự liên thông giữa lớp phong hóa của móng và lớp trầm tích đáy của Oligocen…
Tuy có nhiều tin vui do việc phát hiện dầu ở mỏ Rồng và đặc biệt ở Đại Hùng, nhưng bài toán kinh tế khai thác mỏ Bạch Hổ vẫn làm lãnh đạo Vietsovpetro đau đầu! Việc khai thác mỏ Bạch Hổ chỉ có thể có lãi nếu giá một tấn dầu khoảng 120 rúp chuyển nhượng trở lên theo phương án của ông Demuskin đưa ra, cao gấp nhiều lần giá dầu thế giới nếu theo các tỉ giá chuyển đổi giữa đồng rúp chuyển nhượng và đồng USD.
Không thể chấp nhận được… hơn nữa ta cần xem xét vấn đề này trong bối cảnh lịch sử lúc đó. Liên Xô có “Perestroika” (cải tổ) và ở Việt Nam là tinh thần “Đổi mới”, làm ăn phải có hiệu quả. Vì thế câu hỏi có tiếp tục hay không tiếp tục khai thác mỏ Bạch Hổ… trở thành gay gắt đối với Xí nghiệp Liên doanh… Vòm Bắc có dầu nhưng chưa được khai thác, khi đó thì ở vòm Nam các giếng ở MSP-1 đang tắt dần… giàn MSP-2 đang ngâm mình dưới sóng biển.
Việc di chuyển chân đế MSP-2 lên phía Bắc trở thành trọng tâm. Theo lẽ, nó phải được thực hiện trong thời gian biển tốt là tháng 5, nhưng vì phía Viện Thiết kế biển Ucraine chưa chuẩn bị xong phương án, nên phải hoãn đến cuối năm chờ thời tiết. Chỉ cần thời tiết tốt trong 2-3 tuần là có thể di chuyển xong.
Trong năm 1988, công tác khoan khai thác kết hợp thăm dò từ các giàn cố định được đẩy mạnh với chủ trương từ mỗi giàn có một giếng khoan “tận thăm dò” được thiết kế khoan vào móng. Vào tháng 8 năm đó, có cuộc họp của Ban Tổng Giám đốc, ông Vovk V.S. lúc đó đã thay ông Ardjanov F.G. làm Tổng Giám đốc, các ông Nguyễn Ngọc Cư, Puri G.V. và ông Ngô Thường San thảo luận về phương hướng tiếp tục đối với giàn MSP-1 và MSP-2. Cuộc họp thống nhất, trước khi cắt chân đế giàn MSP-2, cho phép khoan thêm một giếng về phía giàn MSP-2 từ giàn MSP-1 để kiểm tra lại tầng 23 và lần này thiết kế sâu xuống móng phong hóa, vì theo dự kiến đỉnh móng Bạch Hổ cao nhất ở khu vực MSP-2, kết hợp kiểm tra tầng móng. Đó là giếng khoan thăm dò BH-47R từ giàn cố định MSP-1 mà Viện NIPI đã nhận được nhiệm vụ thiết kế của lãnh đạo Vietsovpetro (chữ “R” để chỉ giếng thăm dò – Razvedotsnaia”). Lãnh đạo Xí nghiệp Liên doanh cũng đồng ý, nếu trong tháng 9 không có cửa sổ thời tiết thì việc cắt chân đế phải chuyển sang năm sau, chờ kết quả giếng BH-47R… Nhưng việc khoan giếng BH-47R bị chậm trễ vì thiếu vật tư. Để tiếp tục thực hiện việc thử lại tầng móng, Ban Tổng Giám đốc lúc đó là đồng chí Vovk làm Tổng Giám đốc đã quyết định khoan phá cầu ximăng và thử lại giếng BH-1, đồng thời kết hợp sửa chữa giếng theo quy trình công nghệ sau 2 năm khai thác tầng 23. Đối với một giếng khai thác, khi ống chống khai thác đã bị bắn thủng thì việc thả choòng trở lại để khoan tiếp là vấn đề hết sức rủi ro, nên ông Vovk gọi điện cho ông Phuntov, lúc đó là Cục trưởng Cục Khoan đến để bàn thực hiện vì theo ông Vovk, cũng là một chuyên gia về khoan, thì việc khoan xuống trở lại có rủi ro, nhưng không phải không thực hiện được. Khi trao đổi thì ông Phuntov khẳng định là làm được và ông đã có văn bản đề nghị khoan quay lại tầng móng trong giếng BH-1 và được giao nhiệm vụ thực hiện việc đó trước khi khoan giếng mới. Việc khoan trở lại giếng BH-1 như thế nào sẽ được quyết định tiếp tùy tình trạng giếng. Giếng BH-1 được khoan thông trở lại thành công.
Vào khoảng 10 giờ ngày 6/9/1988, ông Vovk thông báo trong quá trình rửa giếng ở đoạn cuối thì dòng dầu lên mạnh, áp suất đầu giếng khoảng 110 at, hiện đang đóng đối áp để chờ ý kiến trong bờ. Tin vui đến quá bất ngờ. Không thể đóng giếng lâu vì lo thiết bị đầu giếng với áp suất thiết kế không chịu nổi… hoặc dập giếng bằng dung dịch nặng và hoàn tất giếng theo đúng quy cách bằng cần khai thác hoặc cứ để vậy và cho khai thác bằng cần khoan, chờ đến khi áp suất giảm, lúc đó mới sửa chữa giếng và hoàn tất giếng đúng theo quy định của một giếng khai thác. Ban lãnh đạo chọn phương án sau và có lẽ là điều hãn hữu trong lịch sử dầu khí khi một giếng được khai thác bằng bộ khoan cụ. Giếng cho dòng lớn, lúc đó không đo được, nhưng ước tính là khoảng 2.000 tấn/ngày. Không những cán bộ, công nhân viên Vietsovpetro mà cả nước đều vui mừng. Có lãnh đạo không kiềm nổi xúc động và đã hỏi không hiểu có phải nghe nhầm không?
Việc Việt Nam phát hiện ra dầu ở tầng đá móng và bơm nước vào vỉa để duy trì áp suất vỉa là đóng góp lớn vào công nghệ khai thác dầu trên thế giới. Nhiều hãng nước ngoài trước đây khi thăm dò đến tầng đá móng không thấy dầu đã bỏ đi nay tiếc hùi hụi.
Nói về sự kiện này ông Ngô Thường San xúc động: “Không hiểu rằng ngày ấy, nếu không thấy dầu ở tầng đá móng thì tình hình kinh tế đất nước sẽ còn khốn khó đến mức nào”. Vỉa dầu của ta áp suất rất cao, việc khai thác lúc đầu cứ như là trời cho của. Từ năm 1988 đến 1992 không phải khai thác mở rộng mà mỗi năm cứ nâng đều đặn 1 triệu tấn. Từ năm 1993, ta lại nghĩ ra công nghệ bơm nước vào vỉa để ép dầu. Sáng kiến này đã tiết kiệm được rất nhiều. Khí đồng hành thì được dẫn vào bờ để chạy máy phát điện và làm khí hóa lỏng. Nói đến chuyện bơm nước vào vỉa, ai cũng nghĩ rằng cứ lấy nước biển bơm tống xuống là được, nhưng thực ra không phải. Nước biển phải lọc kỹ, phải khử cắn đến 1-2 micron khử vi sinh vật, khử ôxy, khử muối, nước bơm xuống vỉa dầu là loại nước cực kỳ tinh khiết và được lấy ở độ sâu 25m dưới đáy biển. Việc bơm ép nước ngày đấy là do ông Aresev E.G., Viện trưởng và ông Trần Lê Đông, Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro chủ trì đề tài này. Việc bơm nước cũng không phải đơn giản là cứ tống ống khoan xuống là bơm mà phải bơm đúng lúc, đúng chỗ, bơm đúng lưu lượng và áp suất, bơm theo chu kỳ… Cứ lấy được 1m3 dầu thì phải bơm xuống 1,5m3 nước. Việc bơm nước xuống vỉa dầu đã giúp cho Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có thể khai thác dầu tối đa đến hệ số 40-45%, trong khi các mỏ dầu trên thế giới thường chỉ khai thác được trên 15-20%. Để đạt hiệu quả cao, cần phải đầu tư rất nhiều công trình nghiên cứu về lý thuyết khoa học và công nghệ để làm giảm tối đa độ bám dính dầu trong không gian rỗng đã chứa bất đồng nhất cao về đặc tính vật lý vỉa. Vì thế, giải pháp bơm ép nước để tăng hệ số đẩy và quét dầu trong không gian rỗng của tầng đá móng nứt nẻ làm tăng hệ số thu hồi dầu được đánh gia cao về mặt khoa học công nghệ, mang lại lợi ích kinh tế lớn nên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
(còn tiếp)
Nguyễn Như Phong