Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đang trở thành một trong những động lực chính cho quá trình tăng trưởng và phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội để doanh nghiệp ngành Dầu khí trong mọi lĩnh vực thực hiện những bước đi đổi mới, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, hiệu quả, hiệu lực, từ đó khẳng định khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.
Mỏ Bạch Hổ
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang tác động trực tiếp đến các quốc gia cũng như các ngành, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đã điều chỉnh nhanh chóng theo định hướng tập trung vào ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Dầu khí, có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Nhìn rộng hơn, KH&CN đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng trong nhiều ngành công nghiệp, hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế có tiềm lực tốt, có sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Ngành Dầu khí là một trong những ngành kinh tế kỹ thuật có hàm lượng KH&CN cao với việc ứng dụng từ rất sớm các công nghệ hiện đại trong nhiều lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, trong các nhà máy chế biến như đạm, lọc dầu, xử lý khí… Các công nghệ hiện đại có thể kể đến như khoan đơn thân, khoan đa thân, khoan nhiệt độ – áp suất cao, khoan thân giếng nhỏ, khoan dưới áp suất cân bằng, công nghệ xử lý giếng, phương pháp gọi dòng, phương pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu đã được áp dụng trong khai thác thứ cấp ở các mỏ như: Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen; công nghệ khai thác dầu trong đá móng đầu tiên trên thế giới… Trong chế biến dầu khí, công nghệ làm lạnh sâu dòng khí nguyên liệu (Turbo Expender) đã giúp nâng cao hiệu suất thu hồi khí lỏng tại nhà máy xử lý khí; công nghệ nén khí CNG được áp dụng trong việc nén khí khô vào các bình chứa cao áp; công nghệ nhập, xuất và tồn chứa LPG lạnh…
Không những ứng dụng và làm chủ được công nghệ hiện đại trên thế giới, cùng với các đơn vị nghiên cứu, tư vấn có năng lực trong nước, nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công những công trình mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới. Điển hình như 2 cụm công trình/công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 5. Đó là Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam”. Đây được đánh giá là công trình đặc biệt xuất sắc khi áp dụng thành công công nghệ vận chuyển dầu nhiều parafin bằng đường ống ngầm ngoài khơi thềm lục địa Nam với tổ hợp các giải pháp công nghệ đa dạng, khác biệt so với công nghệ truyền thống của thế giới.
Công trình đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm thiết kế hệ thống công nghệ của Liên Xô cũ, thay đổi cấu hình phát triển mỏ; đặt cơ sở vận hành an toàn các mỏ Bạch Hổ, Rồng. Công trình còn là tiền đề để đưa nhiều mỏ khác ở bể Cửu Long vào khai thác dựa trên nền tảng mô hình kết nối các mỏ nhỏ, mỏ cận biên. Về giá trị kinh tế, công trình được đánh giá là có giá trị vô cùng to lớn khi trong điều kiện đất nước bị cấm vận, công trình đã góp phần phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu khí ở Việt Nam với việc đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác năm 1986, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể, tạo ra sản phẩm mới cho đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dầu.
Công trình thứ hai là “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” đã đưa Việt Nam thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu công nghệ thiết kế chi tiết và chế tạo giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giàn khoan tự nâng 90m nước – Tam Đảo 03 là công trình đầu tiên ở nước ta và là công trình trọng điểm quốc gia về chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng có khối lượng kết cấu và thiết bị hơn 12.000 tấn, có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6.100m dưới đáy biển. Việc chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m nước đã tạo bước đột phá quan trọng đối với ngành công nghiệp cơ khí chế tạo trong nước, tạo sự tự chủ về công nghệ, nâng cao năng lực của ngành cơ khí Việt Nam trong việc thiết kế, chế tạo các loại thiết bị phức tạp và công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu thăm dò, khai thác của ngành Dầu khí Việt Nam.
Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03.
Trước sức ép hội nhập, yêu cầu nâng cao hiệu quả và năng suất, năng lực, trí tuệ và sức sáng tạo, nâng cao tính cạnh tranh, ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đang nhanh chóng có sự thích ứng với các yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Trong Chiến lược phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam/Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định rõ vai trò quan trọng của KH&CN và coi đây là chìa khóa nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và sự phát triển bền vững của PVN nói riêng cũng như ngành Dầu khí Việt Nam nói chung.
Trong thời điểm hiện nay, nhiệm vụ được PVN ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện cơ chế, đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp của PVN và các doanh nghiệp thành viên theo chuẩn quốc tế phù hợp với yêu cầu của CMCN 4.0, trong đó cần cơ cấu lại cấu trúc sản phẩm theo hướng tăng tỷ phần sử dụng dầu khí làm nguyên liệu và giảm tỷ phần làm nhiên liệu; ưu tiên phát triển công nghiệp khí hoàn chỉnh, vì khí thiên nhiên là dạng năng lượng sạch, hiệu quả sử dụng cao, ít gây hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, ứng dụng và phát triển công nghệ mới sẽ nâng cao năng suất, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên dầu khí; sản xuất các sản phẩm dầu khí theo chế biến sâu, có giá trị sử dụng cao, rẻ và chất lượng…
PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên nghiên cứu, tìm hiểu và tìm giải pháp đưa CMCN 4.0 vào sản xuất. Đến nay, PVN và các đơn vị bước đầu đã có những triển khai ứng dụng KH&CN rất hiệu quả. Hầu hết các đơn vị đã chủ động triển khai nhiều giải pháp về KH&CN phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị, tiêu biểu như Vietsovpetro, PVEP, BSR… Đặc biệt, PVN và các đơn vị thành viên đang triển khai hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về dầu khí, thống nhất định dạng các tài liệu, tiến tới sử dụng, truy xuất tài liệu để ứng dụng vào công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.
Vừa qua, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cũng đã đề xuất PVN triển khai mô hình đổi mới sáng tạo mở để tận dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, tri thức trên toàn thế giới và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lấy các doanh nghiệp làm trung tâm để thúc đẩy các hoạt động ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ, quản lý mới vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh; gắn kết hoạt động đổi mới, sáng tạo với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị để KH&CN thực sự là động lực quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Trước mắt, VPI sẽ hợp tác với các đơn vị sản xuất, kinh doanh của PVN triển khai áp dụng phần mềm nhận diện các “điểm nghẽn” trong quá trình vận hành của các nhà máy để xây dựng thành các đầu bài kỹ thuật cụ thể và kêu gọi, tìm kiếm giải pháp công nghệ từ khắp thế giới để triển khai, áp dụng thử nghiệm mô hình đổi mới sáng tạo mở.
Trong giai đoạn tới, PVN sẽ tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu KH&CN để tìm ra các giải pháp tối ưu phục vụ cho khai thác dầu khí, gia tăng hệ số thu hồi (EOR), tối ưu hóa trong vận hành các nhà máy chế biến dầu khí, đa dạng hóa sản phẩm góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, hợp tác với các đối tác nước ngoài để nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ mới nhằm bảo đảm tối ưu nhất nguồn tài nguyên, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí Việt Nam./.
Nguồn:pvn.vn