Trong những năm qua, Ngành dầu khí không ngừng phát triển, trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, có những đóng góp quan trọng cho đất nước vượt qua những thời kỳ khó khăn và trực tiếp tham gia vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế xã hội của đất nước,… Để ngành Dầu khí tiếp tục giữ vai trò nòng cốt của nền kinh tế trong bối cảnh dầu khí hiện nay, rất cần có một định chế phù hợp để điều tiết chuỗi giá trị của ngành Dầu khí.
Xây dựng hành lang pháp luật đặc thù
Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”, trong đó nêu rõ mục tiêu phát triển ngành dầu khí thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển ngành dầu khí; xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết 41 đã chỉ rõ việc cần phải triển khai đó là: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí, trong đó quy định rõ về hoạt động dầu khí từ thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn. Hoạch định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp để thúc đẩy ngành Dầu khí Việt Nam phát triển. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về dầu khí; tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực dầu khí. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để phát triển ngành dầu khí. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển dầu khí trong nước tại những vùng nước sâu, xa bờ, vùng nhạy cảm. Bên cạnh đó, Nghị quyết 41 cũng yêu cầu phải xây dựng hành lang pháp luật đặc thù nhằm tăng quyền chủ động cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhất là về quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát; về cơ chế đầu tư ra nước ngoài; về công tác tự tổ chức thực hiện các dịch vụ dầu khí đặc thù trong nội bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…
Nghị quyết 41 cũng yêu cầu phải xây dựng hành lang pháp luật đặc thù nhằm tăng quyền chủ động cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Tại buổi tọa đàm ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển được tổ chức mới đây, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Kim Chung nhấn mạnh: Ngành dầu khí một trong các ngành trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Chiến lược này sẽ được thực hiện thành công nếu có hệ thống thể chế pháp lý phù hợp, cùng với chiến lược tài chính và ngân sách đặc thù cho các ngành trọng điểm liên quan thực hiện mục tiêu nhiệm vụ, trong đó có ngành dầu khí. Bên cạnh việc sửa Luật Dầu khí, cơ chế tài chính ngân sách cho phát triển ngành dầu khí phải được tính toán ngay cho tầm nhìn trung hạn và dài hạn thay vì chỉ trong ngắn hạn như hiện nay.
Cần bổ sung, điều chỉnh Luật Dầu khí
Thực tế, Luật Dầu khí đã được ban hành và thực thi suốt 25 năm qua, là nhân tố quyết định làm nên những thành công “từ không đến có” của ngành Dầu khí. Xác định lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, vì vậy ngay lúc này ngành Dầu khí cần phải xác lập vai trò quản lý nhà nước đối với ngành dầu khí và PVN với hệ thống chính sách, giải quyết nguồn lực và cơ chế tài chính cho PVN mà cụ thể là xin cơ chế nguồn lực, cơ chế tài chính cho hoạt động khâu đầu đó là hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Tôi nghĩ, trong các chính sách, cần trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để DN trở nên năng động hơn, hoạt động hiệu quả hơn, đây là điểm mà Quốc hội và Chính phủ rất cần xem xét kỹ khi sửa Luật Dầu khí trong thời gian sắp tới.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, TS. Ngô Thường San – Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí cho biết, Luật Dầu khí đầu tiên được ban hành 1993 bắt đầu giai đoạn phát triển của ngành Dầu khí, tuy đã được sửa đổi bổ sung vào các năm 2000, 2008 nhưng chưa được đánh giá tổng kết sau 25 năm thực hiện để rút ra những nội dung còn phù hợp, những nội dung không còn phù hợp với thực tế, cản trở sự phát triển của ngành/hoạt động dầu khí. Điển hình, cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng trước đây đã không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi nên hoạt động này đang bế tắc. Do vậy, cần bổ sung, điều chỉnh Luật Dầu khí 2008 và các văn bản dưới luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển của chiến lược biển.
Ngành Dầu khí Việt Nam đã phát triển khá hoàn chỉnh, toàn diện
Đại diện Tập đoàn Dầu khí cũng cho biết, ngành Dầu khí Việt Nam đã phát triển khá hoàn chỉnh, toàn diện, đã thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, từ tìm kiếm, thăm dò và khai thác đến chế biến, hóa dầu, vậy hơn hết lúc này, ngành Dầu khí rất mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương cần sớm ban hành quy định mang tính pháp quy bổ sung quy định về phân cấp và xét duyệt trữ lượng nhằm rút ngắn lộ trình xét duyệt và đưa các mỏ dầu, khi vào khai thác sớm, đơn giản hóa quy trình và các thủ tục xét duyệt nhằm kích thích phát triển các mỏ nhỏ, cận biên, đầu tư công nghệ tăng hệ số thu hồi dầu.
Khi các tập đoàn kinh tế hoạt động hiệu quả sẽ có tác động tích cực, sâu sắc đến không chỉ lĩnh vực kinh tế mà còn tác động tới niềm tin của xã hội vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, vào chế độ, chính sách của Nhà nước. Để tạo nền móng cho sự phát triển bền vững các tập đoàn kinh tế nói chung và ngành Dầu khí nói riêng rất cần một cơ chế phù hợp với đặc thù hoạt động của ngành để các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dầu khí phát triển bền vững cũng như chủ động ứng phó với nhiều tình huống có thể xảy ra khi áp lực từ môi trường quốc tế ngày một gia tăng.
Theo Báo Tài nguyên Môi trường