Theo số liệu báo cáo cập nhật ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chỉ 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty đã giảm khoảng 27.376 tỉ đồng; 7/19 tập đoàn, tổng công ty bắt đầu không cân đối được thu chi; tổng số lỗ 3.728 tỉ đồng.
Dự kiến, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 nghìn tỉ đồng so với kế hoạch; 8/19 tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ; tổng số lỗ khoảng 26.324 tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước giảm khoảng 32.836 tỉ đồng so với kế hoạch.
Theo kết quả một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tác động của dịch Covid-19 tới doanh nghiệp (DN) Việt Nam, có gần 85% DN cho biết thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; 60% thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh. Trong khi đó, 43% DN phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm và 82% DN cho rằng doanh thu sẽ sụt giảm so với năm 2019. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, phức tạp, chỉ khoảng 30% DN duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm.
Là DN đang cung ứng hầu hết các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế như xăng, dầu, điện, đạm, khí…, được Đảng, Chính phủ giao quyền khai thác, quản lý tài nguyên dầu thô, có thể nói, PVN chịu tác động mạnh nhất, nặng nề nhất từ cuộc “khủng hoảng kép” này. Nhiều đơn vị trong PVN đang có nguy cơ mất cân đối, thậm chí là thua lỗ nếu như giá dầu không được cải thiện. Chuỗi giá trị của PVN theo đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khó khăn, thách thức đặt ra với PVN càng nhân lên gấp bội khi Tập đoàn sau cuộc khủng hoảng giá dầu từ giữa năm 2015 đến cuối năm 2018 không khác gì một “cơ thể sống” vừa qua “cơn bạo bệnh”, đang phục hồi sức khỏe, sức đề kháng còn yếu ớt. Trong khi đó, suốt những năm qua, PVN luôn phải thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời. Tình hình trên biển Đông diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí của PVN, ảnh hưởng đến việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Trữ lượng, tiềm năng dầu khí ở vùng nước nông của Việt Nam không còn nhiều; các mỏ dầu chủ lực đang trong giai đoạn suy kiệt, sản lượng giảm mạnh; các mỏ còn lại đều là những mỏ nhỏ cận biên, vận hành phức tạp, chi phí cao… Ở trong nước, hệ thống pháp luật còn chồng chéo, cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực dầu khí còn nhiều bất cập, chưa được tháo gỡ, chưa phù hợp với thực tế phát triển của ngành Dầu khí.
Cuộc “khủng hoảng kép” từ dịch Covid-19 và giá dầu giảm sốc không khác một “cú đánh trời giáng” đến toàn bộ hoạt động của PVN, khiến việc hoàn thành sứ mệnh là tập đoàn kinh tế đầu tàu, giữ vai trò then chốt trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước là điều vô cùng khó khăn. Song, vượt lên tất cả, PVN vẫn có những đóng góp vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
3 tháng đầu năm 2020, PVN vẫn cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch khai thác và sản xuất, trong đó: Tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 3 vượt 8,1% so với kế hoạch tháng; tính chung quý I vượt 10,1% so với kế hoạch quý và bằng 26,6% kế hoạch năm. Sản xuất điện tháng 3 đạt 2,097 tỉ kWh, vượt 3,8% kế hoạch tháng; tính chung quý I đạt 5,33 tỉ kWh, đạt 100% kế hoạch quý và bằng 24,7% kế hoạch năm. Sản xuất đạm tháng 3 đạt 136,9 nghìn tấn; tính chung quý I đạt 441,8 nghìn tấn, vượt 5,5% kế hoạch quý và bằng 28,3% kế hoạch năm. Sản xuất xăng dầu tháng 3 đạt 1,149 triệu tấn, vượt 1,7% kế hoạch tháng, tính chung quý I đạt 3,415 triệu tấn, vượt 2,5% kế hoạch quý và bằng 28,9% kế hoạch năm.Trong năm 2019, dù vẫn đang trong giai đoạn “phục hồi sức khỏe”, bằng định hướng và phương châm hành động đúng đắn, cùng những giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả, PVN đã về đích trước kế hoạch năm 2-60 ngày tất cả các chỉ tiêu, nổi bật là: Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định năm 2010) đạt 519,8 nghìn tỉ đồng, vượt 4,3% kế hoạch, tăng 6,3% so với năm 2018. Tổng doanh thu toàn PVN đạt 736,2 nghìn tỉ đồng, vượt 123,9 nghìn tỉ đồng (20%) kế hoạch, tăng 17% so với năm 2018. Nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN đạt 108 nghìn tỉ đồng, vượt 20,5 nghìn tỉ đồng (23,0%) kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 43,8 nghìn tỉ đồng, vượt 40% kế hoạch…
Có thể khẳng định, đó chính là sự bình tĩnh trong cách ứng phó, thích ứng với từng biến động thị trường, chủ động đưa ra các dự báo, đề ra giải pháp cho mọi tình huống của tập thể lãnh đạo PVN. Đó còn là sự đồng thuận, ủng hộ, tin tưởng của toàn thể người lao động dầu khí đối với các quyết sách của lãnh đạo PVN trước những vấn đề lớn, thời khắc quan trọng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và thị trường dầu mỏ, nhằm nâng cao công tác quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng và triển khai kịp thời các gói giải pháp cấp bách ứng phó với tác động kép của dịch bệnh và giá dầu thấp, PVN đã có chỉ thị yêu cầu toàn bộ Tập đoàn và các đơn vị thành viên chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin thị trường về cung cầu, biến động giá dầu thô, sản phẩm dầu khí, từ đó xây dựng phương án, kịch bản điều hành cụ thể để ứng phó, kể cả những kịch bản cho phương án xấu nhất.
Tinh thần được Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng quán triệt tại tất cả các cuộc họp là phải bám sát diễn biến tình hình, chủ động đưa ra các dự báo, đánh giá, có các giải pháp, phương án cụ thể cho từng thời điểm, cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn, kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc để tìm cách tháo gỡ, thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra, thậm chí cao hơn, áp lực hơn.
Với tinh thần đó, PVN và các đơn vị thành viên đã khẩn trương xây dựng quy định nội bộ trong toàn PVN nhằm quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ dịch Covid-19 một cách an toàn; rà soát công việc, tăng cường quản trị, triển khai các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống thấp nhất, thậm chí là kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu; các đơn vị tăng cường chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường… nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động trong cả chuỗi giá trị của PVN; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp nhằm tháo gỡ thị trường, tối ưu nguồn lực của các bên để cùng “cộng sinh” vượt khó.
Xác định cuộc “khủng hoảng kép” còn kéo dài và tạo ra nhiều hệ lụy đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN, một loạt các giải pháp “thắt lưng buộc bụng” đã được PVN triển khai với mục tiêu cao nhất là an toàn, sức khỏe, môi trường, duy trì việc làm… cho người lao động; tăng cường quản trị, tối ưu nguồn lực; triển khai áp dụng các công cụ, giải pháp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động; rà soát, cắt giảm chi phí nhằm tiết giảm đồng bộ với giảm doanh thu, kể cả giảm thu nhập cá nhân từ lãnh đạo đến người lao động… Rõ ràng, trong bối cảnh khó khăn, khi nhiều tập đoàn, công ty dầu khí quốc tế đã cắt giảm việc làm, sa thải công nhân, thì giải pháp của PVN là hợp lý và thực tế đã nhận được sự đồng thuận, chia sẻ cao của đông đảo người lao động.
Cần nói thêm, do tác động của dịch Covid-19, có không ít cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí phải kéo dài ca trực, bám trụ trên các giàn khoan, cả trong và ngoài nước, để giữ gìn, duy trì mạch vàng đen cho Tổ quốc. Dù nhiều chế độ đãi ngộ đã bị cắt giảm, không còn được như trước, phải sống cuộc sống xa gia đình, nhưng tận sâu thẳm trong mỗi trái tim người dầu khí, ngọn lửa cống hiến, khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh – những hệ giá trị cốt lõi của người lao động dầu khí – chưa bao giờ ngừng cháy. Thậm chí, trong bối cảnh “khủng hoảng kép”, những giá trị đó lại đang được phát huy mạnh mẽ và được minh chứng bằng những kết quả sản xuất kinh doanh ấn tượng của PVN trong năm 2019 và quý I/2020.
PVN nhận rõ, cuộc “khủng hoảng kép” mang đến nhiều khó khăn, thách thức vô cùng lớn, nhưng cũng là cơ hội để đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án đầu tư còn dang dở; mở rộng phạm vi và quy mô đầu tư, gia tăng dự trữ thông qua việc mua dầu thô, thậm chí là mua lại các mỏ khi giá dầu xuống thấp; tăng sở hữu tại các doanh nghiệp có tài sản tốt, hoạt động hiệu quả…
Bởi lẽ đó, PVN đang quyết liệt chỉ đạo toàn Tập đoàn triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp về quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường và cơ chế chính sách.
Tuy nhiên, để những nhóm giải pháp này phát huy hiệu quả cao nhất, tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững khi thị trường ấm lên, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, PVN rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của các bộ, ngành trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc mà PVN đang phải đối diện; tạo cơ chế cho PVN được chủ động trong việc sử dụng các nguồn lực của mình… Điều đó hoàn toàn đúng với tinh thần của Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ.
Thanh Ngọc