Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Thống kê cho thấy, đến nay đối với hợp đồng dầu khí trong nước, PVN đang quản lý 52 hợp đồng với tư cách đại diện nước chủ nhà và 11 hợp đồng với tư cách là nhà thầu. Hợp đồng dầu khí nước ngoài hiện có 2 dự án với tư cách là nhà đầu tư; 9 dự án với tư cách Công ty mẹ. Riêng với Liên doanh Vietsopetro, PVN quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ và tiến hành thanh tra kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietsopetro phù hợp với Hiệp định Liên chính phủ được ký kết giữa Việt Nam – Liên bang Nga năm 2010 nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của Liên doanh, mang lại lợi ích tối đa cho cho hai Phía tham gia.
Với các khó khăn đã được nhận diện, PVN nhận thức rõ nhiệm vụ khá nặng nề, do vậy đã nhanh chóng kịp thời và luôn nỗ lực để làm tốt vai trò của mình |
Với đặc thù dự án E&P hoạt động theo giai đoạn (thăm dò – thẩm lượng – phát triển – khai thác – đóng mỏ) do vậy công tác quản lý hợp đồng dầu khí cũng cần phải linh hoạt đảm bảo tính liên tục và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đề ra trong mỗi thời kỳ. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới cũng như trong nước từ đầu năm đến nay đã có nhiều biến động, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai các hợp đồng dầu khí nên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý hợp đồng dầu khí, dự án dầu khí cũng đã gặp không ít những khó khăn, thách thức.
Đối với dự án trong nước, các yếu tố ngoại cảnh đã có tác động không nhỏ đến hoạt động của các dự án E&P. Cụ thể như tình hình phức tạp ở Biển Đông dẫn tới việc gặp nhiều khó khăn, phát sinh thêm chi phí trong quá trình triển khai hoạt động thực địa và phạm vi hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí bị thu hẹp. Cùng với đó, tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và biến động sụt giảm của giá dầu trên thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi/ổn định.
Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính giảm, các công ty con của Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực E&P tập trung nguồn lực tài chính cho hoạt động khai thác của các mỏ dầu khí hiện hữu và cho các mỏ đang phát triển, giảm bớt nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực thăm dò khai thác do tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Các khó khăn do cơ chế, sự chưa thống nhất trong các văn bản pháp luật hiện hành đã từng bước được khắc phục nhưng chưa có nhiều chuyển biến đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dầu khí của các nhà thầu trên thềm lục địa Việt Nam.
Chủ động vượt khủng hoảng “kép”
Với các khó khăn đã được nhận diện, PVN nhận thức rõ nhiệm vụ khá nặng nề, do vậy đã nhanh chóng kịp thời và luôn nỗ lực để làm tốt vai trò của mình.
Cụ thể, ngay từ đầu năm đã chủ động xây dựng kế hoạch công việc; xây dựng, cập nhật, hiệu chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình thực tế triển khai; tích cực trao đổi với các bộ ngành, các cơ quan có thẩm quyền để đưa ra các đề xuất phù hợp nhằm cải thiện và tháo gỡ các vấn đề khó khăn, giải quyết các vấn đề tồn đọng kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu/người điều hành (NT/NĐH) có hoạt động đầu tư hiệu quả tại Việt Nam cũng như đem lại lợi ích tối đa cho Nhà nước.
Đối với việc ứng phó với tác động kép do dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, PVN đã tích cực chủ động làm việc với các NT/NĐH, đề nghị các NT/NĐH đưa ra các phương án điều chỉnh CTCT&NS các dự án dầu khí năm 2020 tương ứng với các kịch bản giá dầu để kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp của thị trường giá dầu hiện nay với tổng ngân sách cắt giảm/tối ưu thanh toán trong năm 2020 khoảng 240 triệu USD.
Mặt khác, đề nghị NT/NĐH rà soát tình hình triển khai CTCT&NS năm 2020, đề xuất các giải pháp để đảm bảo các hoạt động SXKD liên tục, an toàn và hiệu quả, tối ưu hóa chi phí và đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động của dự án. Cùng với đó, tích cực hỗ trợ và xử lý các đề nghị/đề xuất của NT/NĐH để đảm bảo công việc của dự án được thực hiện liên tục, không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp.
Minh Lê