Bảo dưỡng phao rót dầu không bến một điểm neo (SPM) lần này là một trong những hạng mục nằm trên “đường găng” tiến độ của đợt bảo dưỡng tổng thể lần 4 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Bởi vậy, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và các nhà thầu tranh thủ từng phút, từng giờ để thực hiện và nỗ lực vượt tiến độ đề ra.
Phao SPM là hạng mục ngoại vi quan trọng, nơi tiếp nhận dầu thô phục vụ sản xuất của Nhà máy. Phao SPM nặng 360 tấn, cao 10m, bao gồm có các hệ thống plem, đường ống ngầm dẫn dầu thô dài 3,2km tới nhà máy và 2 đường ống nổi dài 242m để nối từ phao rót dầu đến tàu chở dầu thô.
Ông Tôn Tịnh Biên – Phó Trưởng ban Quản lý Cảng biển BSR cho biết: Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất và thực tế vận hành; cứ sau 10 năm trở lên, phao SPM phải bảo dưỡng lớn – tức phải đưa vào bờ để bảo dưỡng. Đợt BDTT này sẽ thực hiện bảo dưỡng tổng thể phao, bao gồm: tháo dây giữ tàu, tháo 2 đoạn ống mềm nổi (mỗi ống dài 242m); tháo các ống mềm chìm (dài 30m); tháo 12 xích neo – hạng mục quan trọng nhất trên biển. Phao sẽ đưa vào bến tàu của Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất để bảo dưỡng.
Công việc bảo dưỡng phao khi ở bờ, bao gồm: Hệ thống cơ khí: Thay thế vòng bi chính; bắn cát phun sơn chống ăn mòn, hàn cắt các vị trí hoen gỉ,… Bảo dưỡng thiết bị điện, thiết bị điều khiển… Sau đó phao được hạ thủy, di chuyển ra vị trí cũ, định vị, lắp đặt và vận hành phục vụ công tác nhập dầu thô cho nhà máy.
Nhân sự tham gia bảo dưỡng phao SPM lần này là 58 người của nhà thầu và 34 kỹ sư, công nhân BSR. Trong đó có một chuyên gia người Pháp sẽ cùng BSR, nhà thầu bảo dưỡng khi phao được đưa vào bờ.
Hai nhà thầu đảm nhận công việc bảo dưỡng phao là Công ty cổ phần Dịch vụ Lắp đặt, Vận hành và Bảo dưỡng công trình dầu khí biển PTSC (POS) và Tải chắn online (PVMTC) – đơn vị rất mạnh về công tác lặn.
Sáng 18/8, ghi nhận thực tế tại phao SPM, BSR và nhà thầu đã thực hiện xong các công việc như tháo dây giữ tàu, tháo 2 đoạn ống mềm nổi; tháo các ống mềm chìm và đã tháo được 2 xích neo của phao. Ông Lê Vinh Quang – Phó phòng Kỹ thuật Công ty POS phụ trách nhà thầu gói 7 cho biết: “Hôm nay các nhà thầu sẽ cố gắng tháo 4 xích neo để đảm bảo tiến độ cuối tuần này đưa phao vào bờ. Riêng công tác lặn, chúng tôi huy động một lực lượng hùng hậu, bao gồm 15 thợ lặn tại phao SPM, 19 thợ lặn tại U34, 5 giám sát lặn và 2 giám sát viên”.
Công việc tháo xích neo vô cùng vất vả, cần sự chính xác đến từng milimet. Đầu tiên, thợ lặn khảo sát, lấy số liệu để nhập vào phần mềm chuyên dụng. Trên cơ sở thông số đầu vào đó, các giám sát lặn thống nhất với nhau về phương án tác nghiệp. Sau đó, nhà thầu treo dây mồi, lấy dây mồi kéo xích ra khỏi phao. Sau đó, định vị xích dưới đáy biển với 2 mục tiêu: Xích với đáy biển và khoảng cách các xích với nhau để khi phao bảo dưỡng xong, đưa vào vị trí, công tác lắp đặt là chính xác nhất.
Ông Lê Vinh Quang cho biết thêm: Thợ lặn và kíp thợ nhà thầu phải làm việc 3h đồng hồ mới tháo, định vị được một xích neo. Do thợ lặn làm việc ở độ sâu trong khoảng 0 – 10m nên thợ lặn được phép làm việc nhiều giờ liên tục. Được biết, một mắt xích có cân nặng khoảng 94kg, mỗi xích có 200 mắt, tương đương nặng gần 20 tấn. Điều đó cho thấy công việc tháo 12 xích neo của phao SPM vất vả như thế nào?
Ghi nhận của chúng tôi trong ngày làm việc (18/8/2020) tại phao SPM:
Tàu dịch vụ Hải Dương 12 neo đậu tại phao SPM từ ngày 11/8. Trên tàu có đầy đủ các trang thiết bị lặn, phòng điều khiển lặn,… thực hiện công tác bảo dưỡng.
BSR và nhà thầu cùng quyết tâm tháo 12 xích neo an toàn, chính xác.
Các thông số của tàu dịch vụ, phao, xích neo đều nhập vào một phần mềm chuyên dụng và có giám sát lặn luôn theo dõi.
Phao SPM luôn có khoảng 7 – 8 nhân sự nhà thầu và BSR làm việc.
Giám thị lặn làm việc trong phòng điều khiển lặn. Các giám sát lặn của PVMTC đều là những thợ lặn giàu kinh nghiệm, được đào tạo tại Pháp.
Thợ lặn của PVMTC Nguyễn Xuân Lịch (38 tuổi, bên phải) có 14 năm kinh nghiệm lặn và thợ lặn Vũ Văn Ất (29 tuổi, bên trái) có 8 năm kinh nghiệm lặn chuẩn bị một ca làm việc
Tất cả đã sẵn sàng cho một ca làm việc dưới đáy biển
Ông Lê Vinh Quang giới thiệu các xích neo mồi có sẵn trên boong tàu. Thực tế, xích neo phao SPM khổng lồ và nặng hơn nhiều. Nhiệm vụ của thợ lặn là tiếp cận xích neo, định vị thiết bị để kéo xích neo ra khỏi phao.
Để đảm bảo an toàn cho thợ lặn khi tiếp nước, các thợ lặn phải xuống nước bằng một lồng thép chuyên dụng
Hai thợ lặn Nguyễn Xuân Lịch và Vũ Văn Ất (bình oxy màu trắng) trong ca làm việc
Sau khi thợ lặn lên tàu, mũ lặn được ngâm nước ngọt để vệ sinh sạch sẽ (trong đó có vệ sinh phòng chống Covid-19) chuẩn bị cho ca làm việc tiếp theo.
NMLD Dung Quất nhìn từ phao SPM
Đức Chính