Tải chắn online - Game bắn cá Online

Văn hóa Petrovietnam – Nền tảng vượt qua đại dịch Covid-19

881 lượt xem

Giá trị cốt lõi của văn hóa Petrovietnam đã tạo sức mạnh để Petrovietnam đối mặt với những tác động kép của đại dịch Covid-19 và giá dầu suy giảm. Sự lan tỏa của văn hóa Petrovietnam đã tạo dựng nền tảng trí tuệ, quan điểm đồng nhất, gắn kết, tạo nên động lực lớn lao, khơi dậy sức mạnh của người Dầu khí.

Tại Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam: Sức mạnh giúp doanh nghiệp đối đầu Covid-19” do Thời báo Văn học Nghệ thuật tổ chức chiều ngày (3/11), Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có tham luận đóng góp tại Hội thảo.

Văn hóa Petrovietnam - Nền tảng vượt qua đại dịch Covid-19

Ông Trần Quang Dũng – Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam trình bày tham luận tại Hội thảo

Trong những năm qua, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã không ngừng phát triển, trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng, đồng bộ từ khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác đến vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu.

Petrovietnam là doanh nghiệp chủ lực của ngành Dầu khí đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đi đầu trong mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia có hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông và giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược kinh tế biển Việt Nam. Petrovietnam đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động có trình độ chuyên môn vững vàng, được đào tạo cơ bản, năng động, sáng tạo, có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước. Petrovietnam cũng đã tích cực phát huy vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai – Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất – Quảng Ngãi, Vũng Áng – Hà Tĩnh, Nghi Sơn – Thanh Hóa… Tổng tài sản của Tập đoàn không ngừng tăng, từ gần 147.000 tỉ đồng khi bắt đầu hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế năm 2006, đến 30/6/2020 tăng lên tới trên 852.341 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu từ hơn 98.000 tỉ đồng tăng lên 476.663 tỉ đồng. Petrovietnam 3 năm liên tiếp dẫn đầu Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam; 2 năm liên tiếp được tổ chức xếp hạng Fitch Ratings duy trì xếp hạng tín nhiệm độc lập là “tích cực” (ở mức BB+).

Kết quả trên càng có ý nghĩa trong bối cảnh những năm vừa qua là thời kỳ Petrovietnam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành Dầu khí: Công nghiệp dầu khí thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ nửa cuối năm 2014 đến nay, khiến giá dầu xuống còn 1/3 so với 5 năm trước đó, thậm chí có lúc chỉ còn 1/5; chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp; cùng với đó là những hệ lụy bởi hạn chế nội tại của Petrovietnam. Đặc biệt từ đầu năm 2020 khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ quốc tế làm cho giá dầu xuống thấp đến mức kỷ lục, cá biệt có thời điểm giá dầu xuống mức âm (-37 USD/thùng), ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt hoạt động của Petrovietnam; tạo ra “khủng hoảng kép” mang tên: dịch bệnh Covid-19 và giá dầu suy giảm.

Từ thực trạng đó, những tháng qua, bên cạnh những dự báo hết sức bi quan về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong và sau đại dịch, đến thời điểm này, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đều đã bắt đầu “thấm đòn” từ virus SARS-CoV-2. Nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp quyết liệt chưa từng có để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân và bơm tiền cứu trợ khẩn cấp doanh nghiệp, giảm thiểu tác động xấu tới nền kinh tế. Không ít công ty dầu khí trên thế giới đã hoặc đang thua lỗ trầm trọng, đứng trước nguy cơ phải giãn dự án, dừng nhà máy, sa thải nhân công, thậm chí đóng cửa, phá sản trong bối cảnh gián đoạn cung cầu hàng hóa, nguyên vật liệu, dịch vụ vận tải, giao thương… vì cách ly xã hội, phong tỏa, giới nghiêm.

Dưới tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với Petrovietnam, tập đoàn kinh tế chủ lực của quốc gia và cũng là ngành đang chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất bởi giá dầu và dịch bệnh. Hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí; giá cung cấp các dịch vụ trong ngành Dầu khí ở mức thấp; các nhà máy lọc dầu trong nước tồn kho lớn, tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu sa sút nghiêm trọng. Thậm chí, những đơn vị tưởng chừng sẽ được hưởng lợi từ giá dầu giảm sâu như sản xuất đạm thì dịch bệnh cũng như hạn hán ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, bão lũ ở miền Trung… cũng khiến các đơn vị này “điêu đứng”.

Trong cơn lốc xoáy của dịch bệnh, Việt Nam nổi lên như một biểu tượng, một hình mẫu của thế giới về khả năng ứng phó và kiểm soát. Kết quả đó có được là nhờ sự đồng lòng, đồng thuận từ Đảng, Nhà nước đến tất cả nhân dân cùng đoàn kết vượt qua mọi gian nan. Đó chính là truyền thống ngàn đời của dân tộc mỗi khi đất nước lâm nguy. Là con dân nước Việt, mỗi người lao động Petrovietnam đều có trong tim niềm tự hào truyền thống ấy. Đứng trước thử thách của “khủng hoảng kép” chưa có tiền lệ này, một lần nữa người lao động dầu khí lại nắm tay nhau cùng đương đầu.

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội, nhận thức được những rủi ro, thách thức đang phải đối mặt, Petrovietnam và các doanh nghiệp thành viên đã và đang chủ động tích cực triển khai các giải pháp quyết liệt, cụ thể và được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt để thích ứng và trở nên hiệu quả hơn, vượt qua giai đoạn sóng gió này với mục tiêu bảo vệ tốt nhất cho sức khoẻ người lao động, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, liên tục theo phương châm mang cốt cách của văn hóa Petrovietnam là “Quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích”.

Thực hiện phương châm này, trong suốt 10 tháng đầu năm 2020, dù lúc dịch bệnh đang ở cao trào đe dọa nhất, chưa một công trình, dự án trọng điểm nào, chưa một nhà máy, xí nghiệp nào của Petrovietnam ngừng hoạt động. Gần 60 ngàn người lao động vẫn đang từng ngày miệt mài cống hiến, tận tâm, tận lực phấn đấu hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ kế hoạch được giao phó. Cụ thể, Petrovietnam và các doanh nghiệp thành viên đã và đang tập trung triển khai gói giải pháp chung của Tập đoàn và gói giải pháp riêng cho từng lĩnh vực, từng khối đơn vị, áp dụng chế độ làm việc đặc biệt tùy đặc thù của từng doanh nghiệp. Bên cạnh nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ an toàn, sức khỏe của người lao động, các doanh nghiệp đều tập trung tăng cường quản trị, tối ưu nguồn lực; triển khai áp dụng các công cụ, giải pháp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động với mục tiêu tiết giảm được đưa lên mức cao, đồng bộ với giảm doanh thu, kể cả giảm thu nhập cá nhân từ lãnh đạo đến người lao động. Các đơn vị trong toàn Petrovietnam tích cực phối hợp với nhau để chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường… nhằm tối ưu hiệu quả trong cả chuỗi giá trị, đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đặc biệt, Petrovietnam và các đơn vị trong Tập đoàn cũng chủ động nắm bắt, cập nhật biến động giá của dầu thô, cung cầu sản phẩm dầu khí, từ đó đề ra các giải pháp thích hợp nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả, không bị gián đoạn; đồng thời xây dựng phương án, kịch bản để tham mưu với cấp thẩm quyền và điều hành cụ thể tại từng thời điểm để tận dụng cơ hội hoàn thành kế hoạch, giảm thiệt hại do tác động của thị trường.

Kết quả, 9 tháng đầu năm 2020 cho dù “cơn bão kép” của khủng hoảng ập xuống, vào thời điểm được cho là giai đoạn khó khăn, thử thách nhất kể từ thời điểm thành lập cho đến nay, nhưng Petrovietnam vẫn hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra tổng doanh thu đạt 423.200 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 50.200 tỷ đồng, thực hiện tiết giảm 7.170 tỷ đồng. Nếu không thực hiện quyết liệt, hiệu quả gói giải pháp, khả năng Tập đoàn sẽ thua lỗ giống như nhiều tập đoàn/công ty dầu khí khác trên thế giới.

Văn hóa Petrovietnam - Nền tảng vượt qua đại dịch Covid-19

Toàn cảnh hội thảo

Có thể nói, nếu trong những điều kiện thuận lợi bình thường, người lao động Dầu khí luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thì trong hoàn cảnh bất thường, đầy khó khăn như hiện nay, người Dầu khí càng thể hiện bản lĩnh cũng như ý chí, nghị lực của mình. Ý chí và nghị lực đó nhiều năm qua đã được minh định phát xuất từ một động lực nội sinh truyền thống, được dung dưỡng bởi một chiều sâu văn hóa – Văn hóa Petrovietnam. Với người lao động Dầu khí, những người được mệnh danh là “Người đi tìm lửa”, lửa Dầu khí là biểu tượng chứa đựng ý nghĩa tinh thần lớn lao, là niềm tự hào có thể làm lay động tâm trí hàng chục ngàn người vào một thời khắc, dẫn đường cho những khát khao hy vọng, khơi dậy nhiệt huyết và niềm tin.

Từ 45 năm qua, với các thế hệ “Những người đi tìm lửa” không ngừng vun đắp, dày công gây dựng các chuẩn mực và giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa đặc trưng cho Petrovietnam, đó là “Khát vọng, Trí tuệ, Chuyên nghiệp, Nghĩa tình” để thực hiện sứ mệnh “Tối ưu hóa nguồn năng lượng dầu khí; đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế”. Từng giá trị cốt lõi của văn hóa Petrovietnam được định nghĩa, định hình trong quá trình xây dựng và phát triển.

“Khát vọng” của “Những người đi tìm lửa” đã biến mong ước của Bác Hồ và ước mơ của dân tộc thành sự thật. Khát vọng vươn lên và chinh phục các thử thách là tiền đề giúp Petrovietnam phát triển lên một tầm cao mới, hướng tới những chân trời mới. Kiên trì học hỏi, đồng cam cộng khổ, dấn thân vào thử thách và luôn cháy bỏng khát vọng làm giàu cho đất nước là truyền thống và phẩm chất đáng quý của những người lao động Dầu khí. Điều đó tạo ra sự khác biệt của “Những người đi tìm lửa” và là nền tảng cho những thành công của Petrovietnam. Hãy làm việc với khát vọng lớn, chiến lược đúng và thực thi vượt trội là đảm bảo thành công trong công việc và cuộc sống. Luôn ý thức và nuôi dưỡng khát vọng của người lao động Dầu khí là tiền đề để biến thách thức thành động lực, biến những điều không thể thành có thể, biến ước mơ thành sự thật.

“Trí tuệ” là sức mạnh để trường tồn và phát triển. Tri thức nhân loại là tài nguyên quý giá nhất, biết chắt lọc, học hỏi, vận dụng là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất dẫn đến thành công. Petrovietnam có được sự phát triển như ngày hôm nay là kết quả của sự học hỏi, nỗ lực sáng tạo và cải tiến không ngừng của các thế hệ người lao động Dầu khí. Những người lao động Dầu khí liên tục tìm tòi, sáng tạo trong từng công việc, trong mọi mặt của thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh; tự đào tạo, cập nhật, kế thừa kiến thức, trí tuệ của người Dầu khí và nhân loại để ứng dụng trong công việc; làm việc với tư duy phản biện, luôn đặt câu hỏi với những sự việc nhỏ nhất, tôn trọng các ý kiến trái chiều. Mỗi một việc làm luôn có nhiều phương án thực hiện, mỗi sự vật hiện tượng luôn có mặt trái và sẽ không bao giờ có phương án hoàn hảo cho mọi vấn đề. Coi tri thức, sự sáng tạo là sức sống, là đòn bẩy phát triển nhằm tạo ra giá trị khác biệt và bản sắc văn hóa riêng của người lao động Dầu khí trong mỗi công việc, sản phẩm, dịch vụ.

“Chuyên nghiệp” là giá trị mà người lao động Dầu khí luôn hướng tới với tư duy theo chiến lược, làm việc theo quy trình. Hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng phức tạp và khó lường, chỉ có kiên định với cách làm bài bản, hệ thống mới đơn giản hoá được cái phức tạp và ứng phó được sự khó lường. Chuyên nghiệp hoá và liên tục tư duy sáng tạo là tiền đề cho những cải cách đột phá. Chuyên tâm với công việc, luôn nỗ lực, trách nhiệm thực hiện công việc nhằm đạt được hiệu quả cao nhất là phương châm hành động của người lao động Dầu khí. Tôn trọng các quy định của pháp luật, của tổ chức và tuân thủ trong mỗi công việc. Hành động theo quy định nhưng cũng cần điều chỉnh/thay đổi (hoặc đề xuất điều chỉnh/thay đổi) các quy định cho phù hợp với thực tiễn nhằm đem lại những lợi ích cao hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Nghĩa tình” là giá trị bền chặt của các thế hệ người lao động Dầu khí: nghĩa tình giúp những người lao động Dầu khí gắn kết thành một khối vững chắc, kề vai sát cánh để vượt qua khó khăn. Mỗi thành tựu và bước tiến của Petrovietnam đều có sự đóng góp và hy sinh của những con người thầm lặng trong và ngoài ngành Dầu khí, từ chắt chiu nguồn tài nguyên có được do ưu ái và ban tặng của thiên nhiên; nghĩa tình dầu khí được hình thành, vun đắp từ trong gian khó. Xây dựng và trân trọng những giá trị của nghĩa tình dầu khí không phải chỉ cho quá khứ hay hiện tại mà còn hướng đến tương lai. Xây dựng môi trường làm việc, mà ở đó không chỉ có quan hệ đồng nghiệp mà còn là nghĩa tình và tấm lòng nhân ái, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống để mỗi khi rời xa thấy nhớ và cảm thấy ấm áp khi được trở về mái ấm gia đình Petrovietnam. Không chỉ làm việc và cống hiến vì sự phát triển của riêng ngành Dầu khí mà trong mỗi hành động, việc làm phải luôn có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội và bảo vệ môi trường.

Chính hệ giá trị cốt lõi của văn hóa Petrovietnam đã tạo sức mạnh để Petrovietnam đối mặt với những tác động kép của đại dịch Covid – 19 và giá dầu suy giảm. Sự lan tỏa của văn hóa Petrovietnam đã tạo dựng nền tảng trí tuệ, quan điểm đồng nhất, gắn kết mọi người, tạo nên động lực lớn lao, khơi dậy sức mạnh tiềm tàng Dầu khí.

Trong giai đoạn dịch bệnh, công việc, thu nhập của người lao động đâu đó trong Tập đoàn, trong một số doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề, bị giảm sút, thậm chí có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn. Điều đó khó tránh khỏi tác động tới tâm lý, tinh thần của người lao động Dầu khí. Tuy nhiên, điều mà người ta nhận thấy trong các nhà máy, xí nghiệp, trên các giàn khai thác ngoài khơi hay trong đất liền là sự kiên nhẫn, đoàn kết, chung lòng cùng vượt khó. Họ nỗ lực ngày đêm để làm việc bởi nhiều người trong số họ giờ đây phải đảm nhận thêm phần việc của đồng nghiệp do thực hiện biện pháp giãn cách phòng chống dịch. Lãnh đạo động viên người lao động, các đồng nghiệp động viên nhau rồi đến mỗi người tự động viên mình phấn đấu. Không những thế, nhiều người còn hy sinh những ngày, giờ nghỉ ít ỏi để sáng tạo ra những thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho đồng nghiệp. Những buồng khử khuẩn toàn thân, hộp khử khuẩn đồ dùng, đèn khử khuẩn UV,… hoàn toàn “made in” Petrovietnam đã ra đời kịp thời, đúng lúc.

Mặc dù phải nỗ lực chống chọi với những khó khăn đan xen, phải thắt lưng buộc bụng cũng như tiết giảm tối đa chi phí ở nhiều mặt, nhưng nghĩa tình dầu khí vẫn được Tập đoàn và các đơn vị thành viên duy trì đều đặn. Từ hàng chục tỷ đồng hỗ trợ chống dịch bệnh, hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ đồng bào miền Trung và người nghèo trong cả nước đã được trao đi bằng tất cả sự đồng cảm và sẻ chia.

Có thể nói, những người từng đổ mồ hôi, trút tâm sức, từng hy sinh cả tuổi thanh xuân, từng quên mình, quên đi mọi hưởng thụ để làm nên một diện mạo ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam như hôm nay, mới hiểu thấu đáo đến tận cùng thế nào là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, mới thấy hết chân giá trị của những thành công. Cách ứng xử trong thử thách của những người lao động Dầu khí là nét đẹp văn hóa Petrovietnam. Nét đẹp ấy luôn được lan truyền, càng trong khó khăn, gian nan, bản sắc đặc trưng càng tỏa sáng, càng nhân văn bởi tấm lòng và trách nhiệm với cộng đồng.

Để những giá trị văn hóa Petrovietnam không ngừng được bồi đắp, Tập đoàn đã không ngừng triển khai các biện pháp nuôi dưỡng, phát triển. Trong những năm vừa qua, văn hóa Petrovietnam cũng đã có những thời điểm chưa được nhận diện rõ nét, những giá trị văn hóa chưa được hệ thống, khắc họa. Chính vì lẽ đó, Tập đoàn đã xây dựng “Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam”. Tái tạo văn hóa Petrovietnam với mục đích là nhận diện những giá trị cốt lõi của văn hóa Dầu khí đã được định hình; hoàn thiện, hệ thống các giá trị cốt lõi phù hợp điều kiện hiện nay, sàng lọc, bảo vệ giá trị văn hóa nền tảng; bổ sung những giá trị văn hóa ưu việt; từng bước loại bỏ những yếu tố văn hóa không phù hợp, ảnh hưởng, cản trở sự phát triển bền vững của Tập đoàn; phát huy những giá trị văn hóa chọn lọc. Tái tạo văn hóa Petrovietnam là làm mới để phù hợp hơn, tốt hơn trên nền tảng đã có cùng với tiếp nhận, bổ sung những giá trị văn hóa mới phù hợp xu thế phát triển của thời đại.

Để đạt được mục đích đó, Petrovietnam đã đề ra cho cho mình những nhiệm vụ chủ yếu:

Một là: Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hệ thống giá trị văn hóa Petrovietnam và các quy định liên quan: Petrovietnam đã ban hành “Cẩm nang văn hóa Dầu khí” trong đó quy định rõ về sứ mệnh, tầm nhìn, hệ giá trị cốt lõi, những quy tắc đạo đức nghề nghiệp… với sự tham gia đóng góp ý kiến của tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên; tuy nhiên thực tiễn khách quan cho thấy mọi giá trị không phải là những quy định bất biến do đó việc cập nhật, điều chỉnh những giá trị văn hóa trên tiêu chí chung, tiêu chí gốc ban đầu phù hợp với hoàn cảnh, với bối cảnh trong từng giai đoạn là cần thiết. Cần nắm bắt tâm tư, tình cảm, lấy ý kiến rộng rãi của các thế hệ CBCNV trong quá trình phục hưng, phát triển.

Các giá trị văn hóa được nhận diện từ giá trị ngoại hiện (hữu hình) thể hiện thông qua hệ thống nhận diện thương hiệu, bố trí sắp xếp môi trường làm việc, thiết chế văn hóa, sản phẩm văn hóa phục vụ đời sống CBCNV… đến các giá trị được tuyên bố bao gồm: các chiến lược, mục tiêu, triết lý doanh nghiệp và các giá trị ngầm định (vô hình) đều cần phải quan tâm rà soát, hệ thống, quy chuẩn.

Hoàn thiện các quy chế, quy định trong xử lý, giải quyết công việc còn thiếu. Nâng cao ý thức trách nhiệm – yếu tố quan trọng của văn hóa thực thi công việc cùng với tính tuân thủ và hiệu quả, tính sáng tạo, tính gương mẫu của lãnh đạo Tập đoàn, của CBCNV; xây dựng đoàn kết nội bộ gắn với kỷ cương và hiệu quả lao động…

Hai là: Tuyên truyền, vận động, tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, ý thức xây dựng văn hóa Petrovietnam: Mỗi đối tượng CBCNV có những bước tiếp cận khác nhau, mức độ tiếp cận khác nhau với các giá trị văn hóa do đó cần xác định, xây dựng những hình thức tuyên truyền, giáo dục nhận thức về văn hóa phù hợp cho các đối tượng. Thường xuyên tuyên truyền nhắc lại, tuyên truyền đi đôi với kiểm tra giám sát, tuyên dương, nhắc nhở, phê bình. Phải gắn truyền thông nội bộ với xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Nâng cao tính chủ động của các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền. Thông qua hoạt động của các đoàn thể để lồng ghép việc tuyên truyền nội dung văn hóa Petrovietnam.

Tổ chức tập huấn, đào tạo thường xuyên các khóa học bổ trợ cho CBCNV nâng cao nhận thức, trình độ, ý thức trong thực hiện nhiệm vụ, trong thực hiện các quy định; thông qua đào tạo và thực hành hằng ngày các thói quen tốt định hình con người Petrovietnam; việc tham gia các khóa đào tạo là bắt buộc, có quy định, chế tài cụ thể.

Ba là: Xây dựng môi trường làm việc ổn định, trong sạch lành mạnh, đoàn kết, gắn bó; nâng cao vai trò nêu gương của lãnh đạo. Sắp xếp, tổ chức mô hình làm việc khoa học, hiệu quả, thống nhất. Xây dựng bộ máy nhân sự có tính ổn định tạo tâm lí thoải mái, gắn kết trong CBCNV. Ban lãnh đạo phân cấp, phân quyền rõ ràng nhưng có sự đồng nhất trong chủ trương cũng như đồng thuận ý kiến trong xây dựng văn hóa Petrovietnam, tạo sự nhất quán trong chỉ đạo, thực hiện. Xây dựng môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, cạnh tranh công bằng là hết sức cần thiết và cũng là xây dựng môi trường thuận lợi cho việc thực hiện văn hóa Petrovietnam. Chỉ trong một môi trường đáng tin cậy, con người mới có thể dễ dàng phát huy ưu điểm, lợi thế, thể hiện bản thân và khi được ghi nhận thì họ sẵn sàng cống hiến và bảo vệ những giá trị chung.

Tăng cường, tiếp xúc giữa lãnh đạo với CBCNV để họ cảm nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, lan tỏa cảm xúc với CBCNV để họ cảm nhận được tinh thần, mong muốn và sự tin tưởng của lãnh đạo trong thực hiện giá trị chung.

Bốn là: Nâng cao chất lượng của đội ngũ tham mưu giúp việc; bố trí nguồn lực thực hiện Đề án; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tuyên dương khen thưởng việc thực hiện văn hóa Petrovietnam. Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ đảm nhận việc triển khai, theo dõi thực hiện văn hóa Petrovietnam phải là những người có uy tín, có kiến thức để có thể thuyết phục, hướng dẫn, nhắc nhở CBCNV, tham mưu cho lãnh đạo trúng và sát. Nâng cao vai trò giám sát, chủ động phối hợp của các tổ chức đoàn thể với bộ phận chuyên trách để tăng cường, mở rộng lực lượng, phát huy sức mạnh tập thể trong quá trình tái tạo văn hóa Petrovietnam. Thực hiện quy chế khen thưởng nhân viên xuất sắc theo tháng, quý, năm kịp thời biểu dương, động viên các tập thể, cá nhân có ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chỉ đạo từ lãnh đạo Tập đoàn.

Văn hóa doanh nghiệp ví như linh hồn của thương hiệu, là yếu tố tích cực thúc đẩy thương hiệu phát triển. Thực tế cho thấy, không một thương hiệu mạnh nào lại không có nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc. Với Petrovietnam – thương hiệu mạnh là thương hiệu phải có giá trị văn hóa và ngược lại giá trị văn hóa phải bền vững gắn kết với thương hiệu; đó là mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ. Tái tạo văn hóa Petrovietnam là điều kiện cần và đủ để thương hiệu Petrovietnam được giữ vững và phát triển; do đó, tái tạo văn hóa Petrovietnam sẽ là một quá trình chắt lọc lâu dài, bền bỉ, không ít thử thách đối với người lao động Dầu khí mà hơn hết là lãnh đạo Tập đoàn. Cần xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể theo từng giai đoạn và nghiêm túc tuân thủ, không thể nóng vội, đốt cháy giai đoạn; theo lý thuyết cũ, để thực hiện công việc mới là: phải có cái đầu lạnh, trái tim nóng, bản lĩnh, kiên định trong quá trình thực hiện.

Nguồn:pvn.vn